Women are Persons!

0 No tags Permalink

Hôm nay đọc được một bài viết rất hay về bà của một cựu sinh viên. Bài viết làm tôi chạnh nhớ về bà ngoại của tôi. Bà tôi mất năm 72 tuổi, khi tôi đi nước ngoài. Khi còn nhỏ, tôi không được gần bà nhiều vì bố mẹ tôi đi công tác xa nhưng ông bà ngoại tôi khá quý tôi vì tôi học giỏi và ngoan. Tuy nhiên, bà tôi vẫn chê tôi “tồ” vì chỉ biết học và lo tôi sẽ khổ. Tôi vẫn còn nhớ bà tôi người xương xương, nhanh nhẹn, nói năng rất dứt khoát, lúc nào cũng tất bật luôn chân luôn tay. Bà tôi không được đi học mà chỉ tự học chữ sau Cách mạng nhưng rất thông minh, làm thơ cũng hay. Tôi vẫn còn nhớ một bài thơ của bà tôi vì nó rất lãng mạn:
“Gió thu lạnh lẽo lá thu rơi
Quanh quẩn nhìn quanh chẳng thấy người
Hỏi khách qua đường nào có thấy
Khách rằng chỉ thấy lá thu rơi

Dừng chân đứng lại xem đồi núi
Chỉ thấy quanh quanh núi với đồi
Gửi lại mấy lời rừng cùng núi
Ta về núi ở nhớ nhung người”
Nội dung bài thơ chứng tỏ bà bị ảnh hưởng nhiều của Thế Lữ, Lưu Trọng Lư mặc dù bà chưa chắc biết mấy ông này là ai? Bà làm bài này năm bà đã ngoài 60, chứng tỏ khát khao lãng mạn của người phụ nữ không bao giờ hết. Tôi là người chịu nghe chuyện nên hay được bà kể cho chuyện ngày xưa. Những chuyện về cảnh làm dâu, nuôi con thời trước, nỗi khổ thời Cải cách ruộng đất của gia đình, tôi đều được biết qua bà chứ bố mẹ tôi cũng không muốn nói… Trải qua nhiều cảnh khổ, bà rất tằn tiện. Bà là người đã dạy tôi không được đổ cơm gạo thừa đi vì “cơm gạo là ngọc thực Trời cho, còn ăn được mà đổ đi như vậy là “có tội”, nhất là khi nhiều người quanh mình còn không có ăn”, mặc dù nhà ông bà tôi khá giả. Đến bây giờ tôi vẫn cố thu xếp để nấu cho vừa vặn, nếu không thì phải hâm nóng lại rồi ăn chứ không dám bỏ trong khi tôi thấy nhiều người xuất thân nghèo khó hơn tôi lại rất phí phạm. Thế mới biết giáo dục gia đình là quan trọng. Năm tôi thi ĐH được đi nước ngoài, bà tôi mừng lắm, cứ bảo: “Năm nay bà trồng cây quỳnh, đầu năm nở hai bông hoa là điềm hai cháu bà đỗ đại học (là tôi và chị con bác tôi).
Một hôm trước khi đi nước ngoài, tôi đi bộ từ Ngã Tư Sở về thăm bà tôi ở làng Cót để chào bà. Bà tôi cứ xuýt xoa xót cháu mãi. Rồi bà nấu cơm với đậu óc và canh cà chua cho tôi ăn. Cơm gạo quê nấu bếp củi sao mà ngon thế! Buổi tối không có điện, tôi ngồi nói chuyện với ông bà bên ngọn đèn dầu êm ả rồi đi ngù. Nhà bà tôi rộng, có vườn cây rất xanh tốt. Sáng ra ngủ dậy nhìn ra vườn xanh mướt, nghe tiếng chim lách chách sao mà yên bình. Tôi còn kịp đi đong gạo cho bà 1 lần trước khi đi, (lúc ấy tôi rất ngại vì đong gạo xếp hàng lâu lắm, mà trời lại nóng) nhưng bà tôi đi bộ lên Cầu Giấy đong còn khổ hơn. Thế rồi tôi đi sang Tiệp, chỉ thỉnh thoảng nhờ bố mẹ hỏi thăm ông bà. Khi tôi học năm thứ 3 thì nghe tin bà mất. Khi ấy tôi chỉ hơi buồn vì bà cũng cao tuổi rồi. Vả lại bà tôi vất vả suốt đời, chăm lo cho chồng con, nhà cửa. Bà tôi cương cường, chịu thương chịu khó, tháo vát nên đã giữ gìn được nhà cửa vườn tược cho chồng con, không bị mất hồi Cải cách ruộng đất. Sau này con cháu ra phố ở hết, muốn đón bà ra nhưng bà không chịu. Bà bảo: “Tao đi bỏ nhà cửa cho ai? Rời ra là trộm cắp vào phá hết”. Nhờ bà mà con cháu có chỗ quây quần, nhất là khi sơ tán nhưng bà thì không ngày nào an nhàn. Cũng như người bà của cậu học sinh tôi, bà tôi cũng khổ vì chồng, khổ vì nhà chồng. Nhìn lại thời xưa phụ nữ khổ quá, cắm mặt làm nuôi chồng nuôi con nhưng chẳng được quyền lợi gì lại còn bị o ép đủ bề. Vì tôi là người chịu nghe nên bà tôi kể cho nhiều chuyện, bây giờ nghĩ lại mà phát sợ, không biết là mình thì có chịu được không? Càng nghĩ càng thương bà, thương bao nhiêu thế hệ phụ nữ Việt Nam chịu thiệt thòi. Nhưng biết làm thế nào được, như Nguyễn Duy nói:

” Khi tôi biết thương bà thì đã muộn
Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi”

Bài viết này thay cho nén nhang nói lên chút lòng của cháu với Bà! Thương Bà, cháu chỉ biết sống và dạy cho con cháu sống sao cho ông bà có thể đôi chút tự hào về chúng cháu. Không biết con cháu cháu có thương được cháu sớm hơn không?

Bà ơi bà ngủ yên nhé!
“Hôm nay tự nhiên thấy nóng ruột, gọi điện về nhà thì chẳng ai nghe
máy. Chat với thằng bạn nhờ nó gọi đi mấy chỗ xem thế nào thì nó bảo
“Bà mày mất rồi, mọi người đang ở đám tang”. Mất gần một phút để định hình lại, cảm giác vừa choáng vừa sợ lại tựa hồ như có người nói đùa, hay đây chỉ là ảo giác. Vẫn biết là bà đã cao tuổi, lại đau nhiều trong tháng vừa rồi nhưng bà ơi, chỉ còn 3 tuần nữa là con được về nhà rồi mà? Cứ nghĩ là bà sẽ đợi con về rồi mới đi
bà ơi. Gọi điện về nhà nói chuyện với mẹ được hai câu rồi cứ thế
khóc…

Tự nhiên nhớ đến phim Mối tình đầu của Hàn Quốc. Tôi chưa bao giờ xem
phim này cả, nhưng bà tôi đã theo dõi rất đầy đủ. Các bạn đừng cười, bà vẫn là một phụ nữ, rất thích những thứ tình cảm lãng mạn – thứ mà cuộc đời bà dường
như không có. Đó là một bộ phim truyền hình
nhiều tập thường chiếu lúc 5h chiều ở Đài truyền hình Hà Nội. Điều làm tôi hối tiếc vô cùng là đến hôm có tập cuối tôi mải đi chơi
hay làm gì đó nên không ở nhà bật TV cho bà. Bà vì thế mà không xem được tập cuối, bà tiếc lắm! Đấy là những năm 1999 hay 2000 gì đó chứ sau lúc internet phổ biến, có thể tìm lại phim này trên youtube thì bà cũng lẫn nhiều, không thể theo dõi phim ảnh được nữa. Tôi hối hận giá như hôm đó đã nhớ bật tivi cho
bà xem…
Ngày tôi lên 3, tôi bị mọc một cái nhọt ở mông đít rất khó chịu. Hôm
ấy mẹ tôi phải đi dạy, nên trải chiếu để tôi ở ngoài sân một mình
(ngày xưa trẻ con lớn lên cũng tự nhiên thật) mặc cho cái váy hoa cũ
của chị vì không mặc được quần. Năm ấy bà cũng hơn 60 tuổi rồi, bà bắt
xe buýt lên nhà tôi chơi, thấy thằng bé nhăn nhó mặc cái váy hoa ngồi
một mình ở sân. Bà tru tréo lên: “Ôi giời, nó lại để cháu tôi thế này
bao giờ”. Xong bà trèo qua cái cổng sắt cao quá đầu người xong ngồi
quạt cho tôi, lấy cho tôi mấy quả roi bà hái ở cây nhà mình. Bà rất
khéo trồng cây, cây nào bà trồng cũng lên rất nhanh, nhiều quả và rất
ngon. Tôi nhớ cái nhà cũ ở Gia Lâm có hai cây hồng xiêm giống Xuân
Đỉnh quả ngọt mà không bị cát, hai cây roi, ba cây táo và nhiều thứ
cây khác nữa. Tôi thích nhìn bà giã trầu và vấn tóc. Đi đâu bà cũng mang theo một cái tráp nho nhỏ, ngày tôi còn bé bà dùng cái tráp đồng hình tròn, sau
này mất đâu nên bà dùng một cái hộp nhựa vuông, trong có một miếng vỏ,
vài quả cau, vài lá trầu và một lọ vôi. Đầu tiên bà giã miếng vỏ, rồi
cau cho chút vôi xong gói lại bằng lá trầu rồi bỏm bẻm nhai. Chỉ nhìn
thấy cái bã trầu là lại nhớ bà. Hồi còn bé có hôm ngủ trưa dậy thấy
con gián lại nhìn thành cái bã trầu, tôi hỏi: “Bà đâu hả mẹ?”. “Sao con
hỏi thế?” , “Thì đấy, bã trầu của bà đây thôi” – vừa nói tôi vừa chỉ
vào con gián.
Bà hay vấn tóc, mỗi lần gội đầu bồ kết xong bà hay vẩy tóc cho khô rồi
vấn bằng một cái vành nhung rất đẹp. Trông bà như ở trong chuyện cổ
tích bước ra vậy! Có hôm ấm nước mới sôi, tôi thò tay vào định rót,
nóng quá lại rụt lại. Bà thấy thế cầm thử rồi bảo “hơi nóng thôi cu ạ,
để đấy bà rót cho. Cuộc đời bà bao năm chịu nhiều cái khổ rồi nên
không thấy nóng”. Bà quên nhiều chuyện gần đây rồi, nhưng những chuyện quá khứ thì bà nhớ như in, mà cái bà nhớ nhất là nỗi hận với ông. Mâu thuẫn với ông
cũng là nguyên nhân của nhiều chuyện không hay trong gia đình, chia bè
phái hay nhiều khi là những cuộc chiến bằng ngôn từ mà hậu quả là
không biết bao nhiêu cuộc điện thoại can gián. Cá nhân tôi luôn nghĩ là bà đúng! Nếu tôi là một phụ nữ mà bị đối xử như vậy, tôi sẽ không chỉ gây mâu thuẫn mà hoặc là tôi sẽ xa người đàn ông đó mãi mãi hoặc là sẽ đi theo đến cùng biến cuộc đời người ấy thành địa ngục. Những chuyện gia đình không phải lúc nào cũng tiện nói cho người ngoài, có điều mỗi lần ngồi nghe bà kể chuyện ngày xưa
(chuyện bà chăm sóc ông khi ông ốm, rồi bị đánh đập hành hạ lúc định
đánh ghen vợ hai của ông, chuyện bà cắt cỏ cho ngựa rồi ngửa cái nón
xin thóc tướng Nhật năm 45, lúc về thấy người chết đói đầy đường…)
tôi thấy tôi không chỉ nợ bà một phần máu thịt mà còn hơn thế rất
nhiều”.
Cầu mong cho những người bà của chúng ta và cả những người phụ nữ cao quý trong sự hy sinh thầm lặng bao đời qua được yên nghỉ! Bổn phận của chúng ta là làm sao để những nỗi khổ như vậy không lặp lại nữa!

By 1929, Canadian women were secured many of the liberties commonly withheld because of gender, but surprisingly, women could not be appointed to the Senate because The British North America (BNA) Act declared, “women are persons in matters of pain and penalties, but are not persons in matters of rights and privileges.” Thank Emily Murphy, a Canadian women's rights activist, on October 18, 1929, the Lord Chancellor of the Privy Council declared, “women are eligible to be summoned and may become Members of the Senate of Canada.” How about Vietnam?

By 1929, Canadian women were secured many of the liberties commonly withheld because of gender, but surprisingly, women could not be appointed to the Senate because The British North America (BNA) Act declared, “women are persons in matters of pain and penalties, but are not persons in matters of rights and privileges.” Thank Emily Murphy, a Canadian women’s rights activist, on October 18, 1929, the Lord Chancellor of the Privy Council declared, “women are eligible to be summoned and may become Members of the Senate of Canada.” How about Vietnam?

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *