Chia sẻ của Thái Thùy Linh về Đồ Rê Mí!

0 No tags Permalink

“Gửi những bạn Facebook, những khán giả đang yêu và đang giận Đồ Rê Mí.

 

Lẽ ra tôi sẽ không nói gì. Như suốt tháng vừa rồi, tôi đã im lặng và thậm thí từ chối trả lời phỏng vấn về Đồ Rê Mí.

Tôi đã im lặng để chờ đợi một điều gì đó không biết nữa.. Nhưng không thể im lặng nữa rồi, khi mà mỗi ngày vào Facebook cá nhân, đập vào mắt tôi là những tin nhắn, những ý kiến phản hồi, những trăn trở của chính bạn bè thân quen, của khán giả xa gần về chương trình này, cả rất nhiều băn khoăn của các khán giả nhí ngây thơ… Tôi cảm thấy mình phải ngồi viết ra những dòng này, vì những tất cả những tình cảm mà mọi người đang dành cho Đồ Rê Mí, dù là yêu hay ghét.

Điều đầu tiên tôi muốn nói, cũng là điều tôi đã từng khẳng định nhiều lần, rằng, tôi ở đây, ngồi ở ghế Giám khảo này là vì các con, những thí sinh nhỏ háo hức như tôi ngày xưa. Tôi muốn không bé nào phải giống tôi của cách đây 18, 20 năm, một cô bé mập ú và đen nhẻm chả có gì ngoài giọng hát, đã từng đi thi và đã từng chịu nhiều ấm ức, vì nhiều lý do mà tôi biết và cả những lý do tôi không hiểu tại sao. Tôi đến và ở lại với Đồ Rê Mí vì tình yêu trẻ nhỏ và vì sự Công bằng cho các con. Thế nhưng năm nay, lần đầu tiên sau ba năm ngồi ghế Giám khảo, tôi đã có những giây phút cảm thấy mình bất lực không bảo vệ được các con.

Các bạn hãy khoan giật mình. Đồ Rê Mí không hề có sự thiên vị. Tôi sẵn sàng lấy danh dự để đảm bảo điều đó, và tin rằng các giám khảo Châu Anh, Xuân Bắc, Trấn Thành đều như vậy. Có chăng là, tôi cảm thấy bất lực vì không bảo vệ được các con trước luật chơi ngày càng khắc nghiệt của Đồ Rê Mí.

Ai đã từng nghe kể hay thâm nhập hậu trường của những cuộc thi Hoa hậu? Tôi mới chỉ được biết qua đài, báo, truyền miệng nên cũng khó so sánh, nhưng chắc chắn thí sinh Sao Mai Điểm Hẹn chúng tôi cách đây 08 năm cũng không vất vả bằng thí sinh Đồ Rê Mí bây giờ. Thật kinh ngạc là các thí sinh nhí của chúng ta lại có thể hát và biểu diễn hay đến vậy, sau bao nhiêu công đoạn vất vả và áp lực mà các con phải chịu đựng trước khi chính thức bước lên sân khấu.

 

Tôi sẽ không nói về quãng thời gian cả tháng trời tập hát luyện múa, quay phóng sự, làm việc trong phòng thu.v.v. mà thí sinh Đồ Rê Mí nào vào đến chung kết cũng phải trải qua. Tôi chỉ chia sẻ về những điều mắt thấy tai nghe trong vài ngày diễn ra các buổi thi (thường là sẽ liên tục với tần suất 01 ngày 01 chương trình).

Có ai tin được là, hầu hết các thí sinh nhí của chúng ta đã lên Thi Hát với cái bụng lép chỉ có sữa và cùng lắm là thêm mẩu bánh mỳ? Lỗi không tại riêng ai, nhưng lỗi tại tất cả người lớn. Nhắc đến lại thấy thương, “Con đói quá cô ơi, mà mẹ con bảo nếu ăn nhiều lát không có hát được”, “Con ăn vô sợ lem hết son môi”,v.v…Có câu nói vui “Hiện đại thì hại điện”, trường hợp này thì tổn hại nhất là cái dạ dày. Năm nay ghi hình ở trường quay mới, tuyệt đối không được mang đồ ăn thức uống qua cửa. Đến giám khảo là tôi năn nỉ gãy lưỡi để mang một cốc cà phê vào uống cho tỉnh táo cũng vẫn bị tịch thu, huống hồ thí sinh hay người nhà.

Mặc dù BTC và Nhà tài trợ trang điểm đã mạnh tay “chơi trội”, sắp xếp mỗi thí sinh một chuyên gia phụ trách riêng nhưng các con vẫn phải tập trung từ giữa buổi chiều. Thử lại và hoàn thiện đồ diễn, trang điểm, tập hát, trả lời phỏng vấn, quay hình những phân đoạn ngắn để phát sóng trước mỗi phần thi.v.v…cứ thế liên tục đến lúc lên sân khấu

Những ánh mắt mệt mỏi, những khuôn mặt phụng phịu, có lúc là mếu máo nhưng thoắt cái đã long lanh và tươi tắn khi ống kính quay phim chĩa vào. Bé nào cũng cố gắng để xinh nhất, ngoan nhất, đáng yêu nhất khi lên hình, theo lời dỗ dành (và cả doạ nạt) của người lớn. Nhiều khi chứng kiến các con trong phòng chờ, vừa phục vừa thương. Thường thì đêm về, các con mới được ăn bữa tối ra hồn, nhanh nhanh rồi còn lo tắm, gội những mái tóc rối bù bết keo xịt tóc, để sáng mai lại tiếp tục đến trường quay chạy chương trình cho số tiếp theo.

Ban tổ chức ơi! Biết là tất cả đều với mong muốn một chương trình truyền hình thành công và hấp dẫn, nhưng có cách nào cho các con được ăn, nghỉ hợp lý hơn không? Nên chăng bớt đi các phần tạo dáng/ ghi hình bên lề, để các con có thêm thời gian nghỉ trước khi lên hát? Dù là tổ chức ở địa điểm nào, liệu ta có thể xin một phòng riêng, nơi mà các con được phục vụ bữa ăn chính, nước uống? Ngoài những tiết mục bắt buộc phải hoá trang thành các nhân vật, đòi hỏi cầu kỳ, còn lại thì ta chọn phong cách trang điểm làm tóc đơn giản hơn, dồn sự tập trung vào việc Hát được không?

Và các bố các mẹ nữa, con nít được ăn uống đầy đủ sẽ khoẻ hơn, hát tốt hơn mà, son môi có bị lem chỉ cần 01 phút thôi là tô lại được, các anh chị đừng quá căng thẳng như vậy với các con chúng ta có được không? May mà con nít hồn nhiên và giỏi vận động, chứ cô Thái Thuỳ Linh mà có thi với cường độ làm việc như vậy thì cũng thua các con hết.

Năm nay, một trong những việc gây tranh cãi của Đồ Rê Mí là việc trao các nốt nhạc ưu tiên. Cá nhân tôi cũng không đồng tình với luật chơi mới này. Giám khảo nào cũng sợ giây phút phải lên trao nốt nhạc, phải nhìn thấy những gương mặt căng thẳng lo âu, những ngón tay run rẩy xoắn vào nhau chờ giây phút đọc kết quả, và những giọt nước mắt nghẹn ngào tức tưởi khi cái tên được xướng lên không phải là mình….Đến mức suốt 06 show của vòng chung kết 02, cứ hết tiết mục cuối cùng là tôi, Trấn Thành và chị Châu Anh lại căng thẳng chụm đầu bàn bạc, tính toán sao để đưa ra phương án công bố kết quả nhẹ nhàng nhất, “đỡ tốn nước mắt nhất”. Nẫu ruột hết sức.

Kết thúc đêm thi cuối cùng vòng 10 thí sinh, tôi stress cao độ, suýt nói lời tạm biệt Đồ Rê Mí giữa chừng. May thay, ngay chiều hôm sau chúng tôi có cuộc gặp khẩn, sau khi nghe mọi ý kiến đóng góp, đạo diễn chương trình đã thẳng thắn thừa nhận sự bất cập, với một thái độ cầu thị…ít có ở các đạo diễn tôi từng gặp. Luật mới, nốt nhạc 1, 2, 3 sao đã được áp dụng cho vòng chung kết 03, dựa trên sự bàn bạc và tham khảo ý kiến của Ban giám khảo.

Lúc này mới thấy rõ bao nhiêu cái khó của việc tổ chức một cuộc thi hát trên truyền hình dành cho thiếu nhi. Đâu phải chỉ mỗi chuyện chuyên môn? Đạo diễn còn phải như một chuyên gia về trẻ em, sắp đặt vận hành cả một bộ máy hàng trăm con người hoạt động nhịp nhàng ăn khớp, trong điều kiện thời gian vô cùng ngắn ngủi (mỗi thí sinh có ít nhất 01 người thân là bố hoặc mẹ bỏ công bỏ việc đi kèm, và tất cả 5 vòng của cuộc thi chỉ được diễn ra trọn vẹn trong hè).

Thôi thì cũng mong khán giả hiểu được tâm huyết của Ban tổ chức với mong muốn mang lại nét mới lạ, sự hấp dẫn cho một chương trình truyền hình đã sang tuổi thứ 06. Thế nên, thiếu sót là điều không thể tránh khỏi, nhất là với một chương trình mà format được xây dựng hoàn toàn “nội địa” như Đồ Rê Mí. Điều quan trọng là thái độ cầu tiến và mạnh dạn sửa sai của những người thực hiện chương trình (viết đến đây lại nghĩ, không biết đạo diễn đọc những dòng này có buồn, có trách giám khảo “sao lại viết thế” hay không? )

. Tôi vô cùng bất bình trước những ý kiến rất ngô nghê cho rằng, bé đâu có mất mẹ mà vừa hát vừa khóc, rằng bao nhiêu người yêu quý mẹ mà hát có khóc đâu, sao Tiến lại khóc.v.v…Rồi lại so sánh với phiên bản cậu bé nước ngoài mồ côi hát trên mạng. “Nghe đến lúc bé vừa hát vừa khóc mình tò mò xem bé này còn mẹ không mà vừa hát vừa khóc vậy.” Trời ơi sao phát biểu kỳ cục vậy?

 

Nhật Tiến nức nở trên sân khấu Đồ Rê Mí 2012

Bạn nào đó có thể không thích phần trình bày của Tiến, sau khi đã xem phiên bản “Gọi mẹ trong mơ” trước đó, nhưng làm ơn đừng làm tổn thương một em bé mới 09 tuổi, và cả gia đình em nữa. Cảm xúc của Nhật Tiến, tất cả những ai từng tiếp xúc với con hay xem trực tiếp tại sân khấu ngày hôm đó sẽ đều biết là thật.

Sáng hôm đó, Tiến là thí sinh duy nhất không hoàn thành phần chạy chương trình của mình, vì cả 03 lần hát đi hát lại con đều xúc động không thể hát nổi trọn bài. Buổi tối trước khi thi, mẹ Tiến quá lo lắng còn ra nhờ cô Linh – giám khảo được coi là khó tính nhất của Đồ Rê Mí – “doạ” cháu nếu khóc nhè sẽ bị trừ điểm rất nặng. Có lẽ chính nỗi sợ rất ngây thơ đó đã “kìm” cho Tiến gắng không khóc được nửa đầu bài hát. Khi trao đổi kỹ hơn với phụ huynh đế tìm lời giải cho hiện tượng này, tôi khám phá ra rằng, có lẽ chính cách giáo dục từ rất sớm của gia đình bé Nhật Tiến về sự hiếu thảo với cha mẹ đã tạo nên một em bé già dặn và giàu tình cảm dường ấy.

Còn các vị phụ huynh khác nữa ơi,

Tôi vô cùng cảm phục sự hi sinh của các anh các chị. Có gia đình mà cả nhà đi thi cùng con, công ăn việc làm bỏ bẵng cả tháng trời, hết bố lại mẹ nhẫn nại học cùng con từng nốt nhạc, từng bước nhảy, cả lúc phải dậy từ sớm tinh mơ hay tối mịt các anh chị cõng con lội nước từ phòng tập về khách sạn khi Hà Nội ngập. Tôi đã từng tự hỏi mình liệu tôi có đủ kiên nhẫn chừng đó, nếu vài năm nữa con gái tôi cũng đi thi Đồ Rê Mí? Câu trả lời chưa bao giờ là Có, với một người mẹ nóng tính và khó tính như tôi, dù cuộc thi diễn ra ở ngay nơi tôi sống.

Vậy mà các anh chị đã lặn lội từ các tỉnh xa về, vừa làm cha mẹ, vừa làm chuyên gia, vừa làm giám khảo, vừa làm trợ lý mà chẳng chút nề hà. Tôi vẫn mong rằng, tất cả những hi sinh ấy sẽ Vì con chúng ta là chính, để các con có được một quãng thời gian tươi đẹp khó quên trong cuộc đời, để chúng tiến bộ và tự tin khám phá những khả năng còn tiềm ẩn của mình. Hãy để những thay đổi của các con hậu Đồ Rê Mí là những thay đổi tích cực, cố gắng đừng coi nặng việc thắng thua mà vô tình đè lên con những áp lực không đáng có, để rồi con có thể trở nên tự kiêu tự mãn hay tự ti mặc cảm.

Tôi cứ nhớ ở các vòng loại Đồ Rê Mí, bố mẹ nào khi trả lời phỏng vấn cũng hồi hộp một câu trả lời từa tựa giống nhau “Vui là chính. Không vào được vòng trong cũng không sao”. Mong sao các bậc phụ huynh luôn nhớ cảm giác ấy, rằng mình đã từng mong muốn đơn giản mà vui như thế!

 

Còn nhiều lắm những trăn trở với Đồ Rê Mí, vì từ 03 năm nay, tôi đã coi chương trình này như “phiên chợ tình cảm” của mình rồi, đến hẹn lại lên. Nhưng tôi không phải là nhà báo, cũng không là chuyên gia, nên tôi sẽ không ngồi tỉ mỉ phê bình phân tích cả chương trình. Những gì cần rút kinh nghiệm thì người cần biết cũng đã biết rồi. Tôi chỉ viết những dòng này bằng trách nhiệm và tình cảm của một người trong cuộc, như một sự sẻ chia những gì mà khán giả yêu mến chương trình đang bức xúc.

Vài lời nói ra không phải chỉ để cho thoả, cho đã, mà để cùng hướng tới một sân chơi bổ ích, lý thú và Hướng Thiện cho trẻ em.

Đôi điều giám khảo Thái Thuỳ Linh tự rút kinh nghiệm (nếu còn được mời chấm tiếp):

– Thống nhất toàn BGK không trêu các con bằng cách mời các con chấm điểm hoặc nhận xét BGK => điều này vô tình làm các con có thói quen xấu là xu nịnh. Lúc nào giám khảo cũng xinh, đẹp, hát hay, 100 điểm L

–  Đưa ra quy định nội bộ về việc chào hỏi giữa Thí sinh và BGK, bạn nào chào quá dài dòng, quá kính cẩn, chào quá nhiều lần trong một buổi -> trừ điểm J

Và đôi điều mong mỏi BTC:

– Cho phép BGK trừ điểm một cách nghiêm túc đối với những thí sinh không ngoan (hay khóc nhè, đánh mắng bố mẹ, không chịu hợp tác với các chuyên gia.v.v…) vì nhất định Đồ Rê Mí không phải là một sân chơi chắp cánh cho những bạn tài năng nhưng hạnh kiểm không tốt.

–  Cho phép BGK được tự chịu trách nhiệm về các phát ngôn của mình trước, trong và sau cuộc thi mà không cần phải đoán ý hay dè chừng BTC.

Một vài điều nữa sẽ đề nghị tiếp khi bắt đầu mùa Đồ Rê Mí sau J

Thành thật xin lỗi cả nhà nếu bài viết lan man hoặc dài dòng, hoặc mang quá nhiều phong cách. Hi vọng chúng ta sẽ có một đêm Chung kết Đồ Rê Mí 2012 thành công, tưng bừng.

P/S: Hãy cứ yêu đi! ĐRM là một trong những chương trình hay nhất mà một người khó tính như tôi từng xem. Và tôi tin là nó sẽ tiếp tục như thế. :)”

 

Khổ thân các con!!!

Chia se cua Thai Thuy Linh ve Doremi

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *