Lãnh đạo hợp tác

0 No tags Permalink

Hồi này VTV1 đang chiếu bộ phim tài liệu về Đại chiến thế giới 2 lúc 7h30am hàng ngày. Phim rất chi tiết và khách quan, với nhiều thông tin mới ngay cả với người đã đọc hàng trăm sách vở, tiểu thuyết về cuộc chiến kéo dài và khủng khiếp nhất thế kỷ 20 này, như chi tiết về có cả những vị tướng Nga đã trở cờ theo Đức vì bất mãn với Stalin, việc đày hàng ngàn tù binh Đức qua Mỹ và Canada…

 

Nhưng điều mình thấy nổi rõ nhất qua bộ phim này là đừng bao giờ dồn đối thủ đến bước đường cùng mà phải luôn tìm cách hợp tác để chừa cho họ một đường sống, vì lợi ích của chính mình. Cuộc chiến này bùng nổ vì các nước Đồng minh quá căm hận nước Đức đã gây ra cuộc Đại chiến Thế giới 1 nên bắt nước Đức phải trả bồi thường chiến tranh, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của phe Đồng minh, làm người dân Đức lâm cảnh nghèo đói và nuôi dưỡng lòng căm hờn của họ. Đấy là môi trường thuận lợi cho Hitler với tư tưởng dân tộc cực đoan lên nắm quyền.

Đến lượt Hitler khi gây chiến với các nước Đồng mình đã không cho họ một đường thoát nào. Chính vì vậy, dù quân Đức nổi tiếng tàn bạo, tất cả những người chống đối và gia đình họ đều bị đàn áp rất dã man, thậm chí thảm sát cả một làng như Lidice để trả thù vụ ám sát tướng Heidrich… nhưng phong trào chống đối vẫn lan rộng trên khắp các quốc gia bị chiếm đóng. Sự tàn bạo của phát xít Đức chỉ khiến những kẻ thù bất cộng đái thiên như Anh, Pháp, Nga… bắt tay với nhau cùng chống lại kẻ thù chung. Vì vậy, dù phe Trục rất mạnh nhưng cuối cùng vẫn phải thất bại thảm hại và chịu những hậu quả nặng nề cho đến tận bây giờ.

 

Trong môn Đàm phán, tất cả các chuyên gia đều thống nhất, dù đàm phán cạnh tranh có thể đem lại thắng lợi nhanh hơn và tiết kiệm hơn trong ngắn hạn nhưng đàm phán hợp tác lại đem đến một giải pháp bền vững hơn, an toàn hơn cho cả hai bên. Vì vậy, trong mọi tình huống nên ưu tiên đàm phán hợp tác hơn cạnh tranh, dù ban đầu có thể phải cạnh tranh nhưng khi điều kiện cho phép nên chuyển sang hợp tác, vì sự an toàn của chính bản thân mình. Ví dụ trong Đại chiến 2, ban đầu phe Đồng minh bắt buộc phải chiến đấu vì quân Đức gây chiến trước nhưng khi trong nội bộ nước Đức chia rẽ vì phong trào phản chiến (xem Valkyrie), nếu họ có thể bắt tay với phong trào này để đánh đổ Hitler thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều sinh mạng của tất cả các bên và lịch sử thế giới thời hậu chiến sẽ bớt thù hận hơn nhiều.

 

Nhìn tình hình Việt Nam hiện nay, cả ở cấp vĩ mô và vi mô, bài học này đang hết sức cấp bách. Biết bao lần mình ao ước nếu có quy định tất cả các cán bộ từ cấp trưởng phòng trở lên phải có chứng chỉ A về Leadership (Kỹ năng lãnh đạo) và Negotiation (Đàm phán học) thì nội bộ các cơ quan mọi cấp sẽ bình an hơn nhiều. Như vậy sẽ bớt đi các cuộc sát phạt một sống hai chết giữa các phe phái để rồi khi một phe thắng thì cơ quan đã tan hoang và sau một thời gian, lại hình thành phe phái khác cho cuộc sát phạt khác, không biết bao giờ mới chấm dứt.

 

Thế giới này có đủ chỗ cho tất cả chúng ta, một lãnh đạo như một ngọn đèn, dù giỏi đến đến đâu cũng không thể thắp sáng cả căn nhà. Đừng thiết lập mạng quản lý như mạng điện mắc nối tiếp, một ngọn tắt là tất cả tắt theo và căn nhà chìm trong bóng tối. Hãy thiết lập mạng quản lý như mạng điện mắc song song, để cơ hội cho tất cả chúng ta cùng có thể tỏa sáng đúng lúc và đúng chỗ. Như vậy sẽ tốt cho cả căn nhà và cũng an toàn cho tất cả chúng ta.

 

(Bài này chỉ là cảm nghĩ của mình từ một bộ phim lịch sử, không phải bàn về lịch sử và chỉ phản ánh cảm nhận cá nhân của mình. Nếu có thông tin nào chưa chính xác, mong các bạn lượng thứ)!

TT Obama và Ngoại trưởng Clinton, hai cựu địch thủ đã thành công trong việc hợp tác cùng nhau để lãnh đạo nước Mỹ.

TT Obama và Ngoại trưởng Clinton, hai cựu địch thủ đã thành công trong việc hợp tác cùng nhau để lãnh đạo nước Mỹ.

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *