Cũng như nhiều người thế hệ 5x, 6x và 7x nữa, khi còn nhỏ cuộc sống của tôi rất thiếu thốn. Một cuốn sách giấy đen ngòm, một tô phở… nhiều khi cũng đã là một mong muốn ngoài tầm với. Kỷ niệm “sống động” nhất về thực phẩm của tôi là năm lớp 10, chúng tôi phải học hành khá vất vả vì là năm cuối cấp nhưng ăn uống vẫn không có gì. Buổi sáng thường chỉ có một bát cơm rang hay nửa cái bánh mì “không người lái”. Vì thế đến tiết 5 từ khoảng 11 -12h tôi rất đói. Tôi còn nhớ quyển vở Địa lý của tôi bọc bằng họa báo Trung Quốc (khi đó là sự thèm muốn của rất nhiều người vì giấy bền và màu sắc đẹp) lại đúng vào trang quảng cáo về Vịt quay Bắc Kinh. Việc họa báo in đẹp lại thành tai họa cho tôi vì con vịt quay trông vàng ươm, bóng loáng, rất sống động. Bình thường tôi cũng chưa bao giờ được ăn vịt quay nữa là lại đúng vào tiết 5, thật là sự hành hạ cho cái dạ dày của tôi. Kết quả là khi được ra học ở nước ngoài, hành động đầu tiên của tôi là mua ngay một con gà quay về cho cả phòng 3 người (châu Âu không có vịt quay). Nhưng tôi đã vỡ mộng toàn tập, chỉ ăn được đúng một lần vì ăn không nổi! Hóa ra mắt tôi to hơn dạ dày nhiều!
Dần dần tôi phát hiện ra ham muốn vật chất của con người là vô hạn nhưng khả năng sử dụng thì rất có hạn. Như mọi phụ nữ khác, tôi mê quần áo, mỹ phẩm, trang sức… nhưng rồi có biết bao thứ mua về mà không hề được sử dụng hoặc lâu lâu mới dùng một lần. Tốn kém không kể mà nhà dần như cái kho vậy. Ăn uống, chơi bời … cũng vậy. Rồi tiền bạc, công danh… cũng trở nên bé mọn, khi người ta chẳng biết đi đâu, tiêu gì? Thành ra tôi nhìn những người trẻ mê mải trong quá trình săn tìm giá trị vật chất mà cảm thấy vừa ghen tị vừa ái ngại. Bản thân mình thì nhiều khi tự dưng thấy mất thăng bằng vì không biết ước mong gì nữa. Trước kia nghĩ đi làm giành dụm cho con nhưng rồi lại phát hiện ra đầy đủ quá con cái dễ hư. Thế là vốn so với xung quanh tôi đã hoàn toàn không giàu nay lại bị mất hoàn toàn cảm giác mê làm giàu.
Hôm nay đọc được bài viết của 1 blogger sống ở Úc, gia đình nề nếp và khá giả. Như bao người Việt xa quê, chị cũng có những nỗi niềm và dàn trải chúng một cách tinh tế, giản dị như sau :
“Ở Việt nam về, tha qua Úc hơn mười kí lô sách, trước đọc trong vài tuần, giờ đọc hoài chưa xong một cuốn. Mỗi ngày với 20 phút trên xe lửa, chỉ đủ đọc được một vài truyện con con. Nhìn lô CD mới mang về mà buồn muốn thúi ruột, mỗi ngày nghe được hơn hai bản nhạc thì khi mô mới nghe hết đây trời.
Thiệt chán mớ đời, nhưng được cái ga xe lửa nằm ngay trung tâm mua bán, nên mấy tuần nay, chiều về còn mùa hè thư thả, có dịp long nhong shopping… Hìhì, khoản này đã đa. Nhưng mà mua nhiều quá, mỗi sáng đứng nhìn tủ quần áo không biết nên mặc cái nào. Nhớ hồi xưa mới qua lúc đi học, có hai ba bộ thay đổi, khỏe re. Khỏi mất công lựa chọn gì hết ráo. Bây giờ mệt quá, mà sao càng mua càng thấy thiếu là thế nào ta.
Hồi mới đi làm, mỗi lần phải đi công tác răng mà khỏe dễ sợ, xếp hành lý 15 phút là xong. Bữa nay đi đâu cả tiếng xếp dọn mà cái va ly cũng chưa thấy chưa nhúc nhích. Xếp cái này vào, bỏ cái kia ra. Cứ loay hoay, loay hoay. Đã vậy, khi tới nơi, đi đâu lúc nào cũng thấy thiếu thiếu thế nào. H’m, chẳng biết giống cái giống chi đây không biết nữa.
Một lần lựa CD cho vô xe, hay bật IPOD lên cũng vậy, trừ khi có hứng còn không thì cũng chẳng biết nghe bài nào. Y chang lúc mở tủ lạnh, nhìn thịt thà cá rau đầy ứ trong tủ mà chẳng biết nấu cái món chi chi.
Bởi vậy, hình như càng dư thừa càng thấy thiếu thốn. Càng nhiều thứ linh tinh, càng khổ.
Hồi chưa có máy tính, tính nhẩm, tính toán bằng giấy, cộng trừ nhân chia có mấy ai than van. Máy tính ra đời, hết xảy. Nhưng chỉ một thời gian, máy tính lại đi vào quên lãng khi thị trường lan tràn các máy điện toán. Hồi trước, bộ nhớ máy tính chỉ vài chục MB là thấy nhiều dễ sợ, bây giờ vài chục GB cũng chả thấy đâu vào đâu.
Đời sống càng lúc càng gắn chặt vào những tiện nghi nên hơi thiếu thốn một chút là mặt mũi méo xệch. Lâu lâu bão tố điện cúp một lần quả là nightmare. Tuần rồi cái máy giặt hỏng hai ngày, ui chao là muốn khóc. Rồi còn cái máy sấy tóc, máy xay thịt, xay trái cây, microwave mà gặp sự cố là như trời sắp sụp. Đi du lịch qua xứ lạ, cũng phải lo sắp sếp cho cái mobile có roaming, không có đến nơi trong vòng hai ba tiếng đồng hồ mà không có di động thì hình như trái đất sắp tận thế. Internet mà down là giống như bị thả vào hoang đảo.
Lắm lúc thấy mình sao sống còn tệ hơn cây tầm gửi. Cây tầm gửi sống bám vào cây chủ, trong khi mình giờ bám víu quá nhiều vào quá nhiều thứ linh tinh. Niềm vui không dễ dàng nắm lấy vì hình như không bao giờ cảm thấy vừa lòng với cái hiện có. Tại vì mình vẫn còn là một con người với đủ hỉ nộ ái ố, với đủ những tham sân si, với đủ những ham muốn đua đòi bình thường. Vì con người càng lúc càng trở nên yếu đuối vì chính những sáng kiến, những tri thức của con người.
Một lần xem TV, thấy quảng cáo xe chỉ khoảng hơn mười ngàn đô, bạn tui nói, hồi mới qua, coi TV thèm mấy chiếc xe mới giá này chi lạ. Bi chừ đi xe mắc hơn vậy nhiều nhưng mà không cảm thấy sướng như hồi đó.
Bởi vậy, biết là phải vui với cái đủ, phải vui với cái mình đang có mà nào có dễ đâu. Có lúc tâm gần tịnh, lại sợ đánh mất chính mình khi những suy tư, những vẩn vơ sắp bay theo gió.
Cuộc sống càng cao, con người càng chống chếnh. Có lẽ vì vậy mà những dịch vụ trợ giúp về tâm sinh lý ngày một nhiều. Chưa bao giờ phong trào thiền, thể dục thể thao, Yoga, Khí Công, đủ thứ quyền rầm rộ như hiện nay. Con người ở giữa bị giằng xé giữa hưởng thụ vật chất và tu dưỡng tinh thần, lúc nào cũng như chú heo con nghe nói cái đuôi của mình là hạnh phúc nên cứ mãi loay hoay tìm cách nắm lấy cái đuôi của chính mình.”
Thôi thì :
Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc (biết đủ thì đủ)
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn (biết nhàn thì nhàn)
Chúc chúng ta tìm được sự an nhàn, thanh thản trong lòng mình!
Leave a Reply