HUYỀN THOẠI MỘT TÌNH YÊU
Đoàn thị Lam Luyến
Giá được một chén say mà ngủ suốt triệu năm
Khi tỉnh dậy anh đã chia tay với người con gái ấy
Giá được anh hẹn hò dù phải chờ lâu đến mấy
Em vẫn chờ
Như thể một tình yêu
Em vẫn chờ như hòn đá biếc xanh rêu
Của bến sông xa mùa cạn nước
Cơn mưa khát trong nhau từ thưở trước
Sắc cầu vồng chấp chới phía xa xa…
Em vẫn chờ như lúa đợi sấm tháng ba
Như vạt cải đơm hoa đợi ngày chia cánh bướm
Như cô Tấm thương chồng từ kiếp trước
Lộn lại kiếp này từ quả thị nhận ra nhau.
Em ở hiền, có ở ác chi đâu?
Mà trời lai xui anh bắt đầu tình yêu với người con gái khác?
Có phải rượu đâu mà chờ rượu nhạt
Có phải miếng trầu đợi trầu dập mới cay…
Chẳng được hẹn hò em vẫn đợi …vẫn say…
Ngâu xa nhau ngâu có ngày gặp lại
Kim – Kiều lỡ duyên còn có chiều quan tái
Em vẫn đợi
Vẫn chờ
Dẫu chỉ là
Huyền thoại một tình yêu…..
Tôi tình cờ được đọc bài này trong một cuốn tạp chí văn học tại văn thư của cơ quan vào năm 1990 và đã yêu thích nó ngay từ lúc ấy. Tôi nhớ là tôi đã đứng tại chỗ đọc mê mải và thuộc ngay vì không mượn về được. Những cuộc gặp gỡ tình cờ se duyên mình với những áng văn thơ yêu thích luôn làm tôi khó quên. Cũng từ lần ấy, Đoàn thị Lam Luyến đã trở thành nữ nhà thơ yêu thích của tôi. Ngoài đời, chị còn là một người đàn bà đẹp, sắc sảo. Còn trong thơ, chị thể hiện là người phụ nữ mạnh mẽ, đa tình, tràn trề khát vọng yêu đương, dám dấn thân cho tình yêu nên trong bối cảnh xung quanh chỉ toàn đàn ông thời hậu chiến, bạc nhược cả về thể xác lẫn tinh thần, thì việc chị gặp nhiều trắc trở là đương nhiên. Có thể nhận rõ chị qua hai câu thơ tự bạch:
“Đa tình liền với đa đoan/
Tơ duyên cứ nối lại càng đứt thêm...”
Trong thơ chị, những mảnh đời yêu, những cung bậc trắc trở của tình yêu luôn làm cho người đọc nao lòng và một ví dụ điển hình là bài” Huyền thoại một tình yêu”.
Mở đầu bài thơ, bằng những từ ngữ giản dị như lời nói thường ngày, tác giả đã để cho nhân vật trong thơ tự bộc bạch lòng mình:
“Giá như được một chén say mà ngủ suốt triệu năm
Lúc tỉnh dậy anh đã chia tay với người con gái ấy
Giá được anh hẹn hò dù phải chờ lâu đến mấy
Em vẫn chờ như thể một tình yêu...”
Người đàn bà đang khao khát yêu đương cùng với tình yêu đơn phương của chị đã khiến trái tim người đọc rung lên. Trái tim yêu của người phụ nữ phải đau đến mấy khi chứng kiến người mình yêu đang quấn quýt bên người con gái khác… Nhưng ở vị thế người đến sau, chị chỉ có thể ước: “Giá như được một chén say mà ngủ suốt triệu năm... ” vì chỉ có trong giấc ngủ chị mới không phải chứng kiến những ấm áp dịu dàng anh dành cho người khác, chỉ có trong giấc ngủ trái tim đa đoan của chị mới thôi thét gào, giằng xé.
Khi người ta đang yêu, trái tim mù lòa lắm, nó có thể làm mất hình ảnh của mình bất cứ lúc nào, chị biết và chị ước giá như mình có thể say, giá như mình có thể ngủ để đợi chờ, để hi vọng… đến một ngày
:
:” Giá được anh hẹn hò dù phải đợi lâu đến mấy
Em vẫn chờ như thể một tình yêu...”
Những câu thơ như một sự miên man trải lòng. Chị yêu anh mặc dù chị biết tình yêu ấy chẳng được đền đáp trọn đầy, mãi như “bến sông mùa cạn nước…” Chị khát khao mặc dù chị biết đáp lại cái khát khao của chị chỉ là cái mong manh, “chấp chới” khó nắm bắt của sắc cầu vồng hư ảo.
“Em vẫn chờ như lúa đợi sấm tháng ba
Như vạt cải đơm hoa đợi ngày chia cánh bướm
Như cô Tấm thương chồng từ kiếp trước
Lộn lại kiếp này từ quả thị nhận ra nhau.”
Người đọc cảm thấy sự mạnh mẽ quyết liệt của người đàn bà khát yêu, khát vọng một ngày đoàn tụ mặc dù chị biết có thể chỉ có trong cổ tích. “Em vẫn chờ…”như thiên nhiên vạn vật chờ nhau; “em vẫn chờ…” bất chấp mọi khó khăn trắc trở. Cho dù chẳng được anh hẹn hò, em vẫn chờ vẫn đợi, cho dù biết tình yêu anh với người ấy chẳng dễ nhạt phai em vẫn yêu trong hoang hoải. Cho dù em chẳng thể ghen tuông nhưng chẳng có cách gì khiến trái tim em thôi đau đớn. Chị muốn kêu trời, muốn trách ông trời sao nỡ gây ra ngang trái:
Em ở hiền, có ở ác chi đâu?
Mà trời lai xui anh bắt đầu tình yêu với người con gái khác?
\Có phải rượu đâu mà chờ rượu nhạt
Có phải miếng trầu đợi trầu dập mới cay…
Chỉ mấy dòng thơ thôi mà từ “chờ” từ”đợi” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như khẳng định tình cảm của mình. “Em vẫn chờ…vẫn đợi …vẫn say...” Câu thơ sao mà da diết! Yêu say mê, đắm đuối hết mình sống thật lòng đến ngây thơ dại dột mà chị không thôi hi vọng tình yêu của chị sẽ có ngày được đền đáp:
“Ngâu có xa nhau ngâu có ngày gặp lại
Kim – Kiều lỡ duyên nhau còn có chiều quan tái”
Chính tình cảm vô tư, mãnh liệt, hết mình của người phụ nữ đã làm người đọc cảm động, dù vẫn biết tình yêu này là không chính đáng. Với riêng tôi và những phụ nữ thế hệ tôi, chị còn làm tôi rung cảm vì sự khiêm nhường trong tinh yêu của chị. Cùng trong hoàn cảnh là “người đến sau”, có người lựa chọn cách giành giật tình yêu như ai đó đã từng nói: “Em đã đoạt anh từ tay người đàn bà kia / Giống như người đàn bà kia đoạt anh từ tay người đàn bà khác” và coi tình yêu chính là lời thanh minh của mình, tin rằng mình mới là người yêu nhiều hơn, có khả năng đem lại hạnh phúc cho đối tượng hơn. Nhưng chị không hề so sánh hay trách móc ai mà đã chọn cách đợi chờ, cách đứng bên đời anh để yêu, để say… trong sáng và thanh khiết vô cùng. Là người ngoài cuộc tôi hay bạn có thể trách chị là mù quáng, là khờ dại nhưng có lẽ chính vì lẽ đó khiến tình yêu của chị đã trở nên huyền thoại. Bởi dù chị có tự trấn an mình bằng kết thúc có hậu của những mối tình trắc trở trong văn chương để có thêm dũng khí để sống, để thương yêu, nhưng chị cũng hiểu:
Em vẫn đợi
Vẫn chờ
Dẫu chỉ là
Huyền thoại một tình yêu…
Trong ánh hào quang của tình yêu không được đền đáp, chị bộc lộ toàn vẹn vẻ đẹp chân thật từ trái tim nổi dậy đầy bản lĩnh của mình. Sự nổi loạn cá tính ấy khiến “Huyền thoại một tình yêu” của Đoàn Thị Lam Luyến đọc một lần ta khó có thể quên. Cảm ơn Đoàn Thị Lam Luyến – nhà thơ nữ tài sắc mà đa đoan đã bày tỏ đến tận cùng cảm xúc của mình, đẫ bộc bạch giùm bao nhiêu người đàn bà khác về những niềm riêng khó nói để mọi người đồng cảm và chia sẻ và học được chút gì từ cách ứng xử của chị.
Leave a Reply