AI CÓ LỖI TRONG VIỆC BÉ GÁI BỊ BẠO LỰC ĐẾN CHẾT GIỮA NƠI PHỒN HOA??

0 No tags Permalink

Mấy ngày hôm nay mạng xã hội tràn ngập tin và hình ảnh cháu gái bị bạo hành đến chết. Nhìn gương mặt xinh đẹp, non nớt của cháu, những bức ảnh chụp thân thể đầy thương tích của cháu, lòng ai cũng quặn đau. Là một phụ nữ, một người mẹ của 2 con gái, người bà của một cháu bé 7 tuổi, tôi không dám nhìn kỹ, không nói nên lời vì quá đau xót và phẫn nộ. Mở báo chí, lướt FB tất cả mọi người đều đồng loạt lên án dì ghẻ ác độc và người bố vô tâm nhưng cá nhân tôi lại không nói nổi lời nào cả. Những chuyện như vậy xảy ra không hiếm, có thể điểm qua vài vụ nổi trội:

Tháng 5/2020, trên mạng mã hội Facebook xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh 1 người phụ nữ ở Bình Dương bóp cổ, đánh đập, nhấc bổng người bé trai lên rồi đánh tới tấp vào mặt, đầu của bé mặc cho bé khóc thét. Dù người phụ nữ vừa đánh đứa bé vừa chửi thề, nhưng người đàn ông ngồi bên cạnh lại không có biểu hiện can ngăn. Cơ quan chức năng đã xác định người phụ nữ trong video clip được xác định tên là T.L (SN 1986, cư trú ở tỉnh Bình Dương), là mẹ kế của bé trai 5 tuổi bị bóp cổ, đánh đập trong video clip.

Ngày 6/8/2018, chị Phan Thị H. (35 tuổi, trú tại TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) cho biết đã làm đơn tố cáo gửi Công an phường Thanh Miếu, Công an TP. Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) về việc chồng cũ và mẹ kế bạo hành dã man con trai chị là cháu Nguyễn Đăng K. (12 tuổi) suốt nhiều năm.

Tháng 11-2017, cô giáo chủ nhiệm và ban giám hiệu phát hiện trên 2 cánh tay và má phải của bé gái N.H.N.T. (7 tuổi, ở xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành) có vết bỏng khá nghiêm trọng. Bé T. nói do bị cha dùng thanh sắt nung đỏ rồi dí vào. Trên đỉnh đầu của bé T. cũng có nhiều vết thương đáng ngờ khác. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Kiên Giang đã mời cha mẹ để làm việc vì nghi bị mẹ kế và cha ruột bạo hành.

Những vụ như vậy nhiều không kể xiết, chỉ cần gõ từ khoá “Bạo hành trẻ em” vào google, bạn sẽ tìm được 27 triệu kết quả trong vòng 0,46s! Ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có khoảng hơn 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại ở mức độ nghiêm trọng cần được hỗ trợ, can thiệp. “Tính chất của các vụ bạo lực, xâm hại trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại với nhiều độ tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình và trường học do nhiều đối tượng gây ra. Trong đó, thật đáng buồn phần lớn là người thân trong gia đình, giáo viên, bạn bè trong trường học”! Mỗi lần có môtj vụ như vậy được đưa ra ánh sáng, dư luận lại ồn ào một thời gian nhưng sau vài tuần thì đâu lại đóng đó và lần sau thì sẽ còn nghiêm trọng hơn lần trước.

Về lý thuyết mà nói, Việt Nam thuộc văn hoá đạo Khổng, nơi bố mẹ coi con cái là lẽ sống của mình. Một mặt chúng ta thấy thông tin khắp nơi về vấn nạn bố mẹ quá chiều chuộng con cái, làm chúng mất khả năng sống tự lập, mặt khác những vụ cha mẹ bạo hành con cái ở VN cũng rất phổ biến với những hình phạt mà ngay với kẻ thù độc ác nhất ta cũng không dám nghĩ tới. Theo thống kê chưa đầy đủ của UNICEF năm 2016, VN đứng thứ 14 trên thế giới về mức độ bạo hành trẻ em, với 68% trẻ em từ 2-14 tuổi được khảo sát trả lời là đã từng bị bạo hành cả về thể xác và tinh thần, cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á, vượt xa cả các quốc gia từng bị tố cáo về bạo lực trẻ em như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Ấn độ[1]. Vì thế mình thấy tỏ thái độ phẫn nộ khi mỗi khi một vụ việc nổi lên thật rất vô nghĩa, quan trọng là phải có giải pháp dài hạn để giảm nhẹ tình trạng này. Theo tìm hiểu của mình, sở dĩ tình trạng bạo lực trẻ em ở VN xảy ra thường xuyên như vậy là do nhiều nguyên nhân:

Nguyên nhân đầu tiên là xã hội không coi đứa trẻ là một CON NGƯỜI mà coi là một vật thể phụ thuộc của bố mẹ, gia đình. Vì thế khi gia đình còn êm đẹp thì đứa con được coi là tài sản quý báu nhất, tuỳ quyền nâng niu, bảo bọc mà trên thực tế cũng có thể coi đó là một dạng bạo hành tinh thần, khi tước bỏ quyền tự lập của đứa trẻ. Đến khi gia đình tan vỡ hay không may gặp bố mẹ có xu hướng bạo hành thì đứa trẻ hoàn toàn bất lực, không biết trông cậy vào ai. Ông bà, những người xung quanh có chứng kiến cháu bị đánh đập cũng chỉ dám khuyên vài câu, nếu gặp kẻ côn đồ doạ dẫm là đành giữ im lặng, tự nhủ: Việc nhà người ta, mình can thiệp làm gì và xoa dịu lương tâm bằng cách tự nhủ: “Hùm dữ không ăn thịt con”, bố mẹ sẽ biết cách bảo vệ con mình mà.

Đây chính là câu mình ghét nhất vì chỉ cần đọc vài trường hợp bạo lực nêu trên ta sẽ thấy, hùm dữ không ăn thịt con nhưng bố mẹ thì có! Không có con vật nào lại “dùng thanh sắt nung đỏ dí vào người con mình” hoặc chứng kiến con bị tình nhân đánh vỡ đầu cũng chỉ đem đi bệnh viện rồi lại giao con cho cô ta hành hạ tiếp. Nên nguyên nhân thứ hai gây ra tình trạng này là quá tin tưởng vào sự bảo vệ của bố mẹ với trẻ em, nói cách khác là xã hội khoán trắng an nguy của đứa trẻ cho gia đình, trong khi ở đâu cũng vậy, không phải ai biết sinh con cũng biết làm bố mẹ cho tử tế. Trẻ con không chỉ là sự tiếp nối của một gia đình, quan trọng hơn còn là tương lại của quốc gia, quốc gia không thể chối bỏ trách nhiệm của mình.

Nguyên nhân thứ 3, có thể nói là nguyên nhân quan trọng nhất, là QUỐC GIA THIẾU THIẾT CHẾ ĐỂ BẢO VỆ TRẺ EM. VN là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20 tháng 2 năm 1990. Trong nước có luật Trẻ em từ năm 2004, lần sửa đổi mới nhất là năm 2016  nhưng tình hình trẻ em ở VN về mọi mặt không có gì khá hơn các quốc gia khác vì chúng ta thiếu thiết chế bảo vệ trẻ em. Sau khi bé gái tử vong, có nguồn tin cho biết hàng xóm từng báo với ban Quản lý chung cư và có ý trách ban Quản lý không có hành động gì, rồi ban Quản lý phản hồi lại là chưa từng nhận được bất kỳ thông báo nào. Nhưng thực tế nếu có nhận được tin báo và có thiện chí đi nữa thì ban Quản lý chung cư có thể làm gì được? Họ không có thẩm quyền về những việc xảy ra sau cánh cửa của từng gia đình, nhiều lắm thì chỉ có thể nhắc nhở gia đình vài câu hoặc báo công an. Nhưng thực tế là rất nhiều nơi công an rất thờ ơ, cho việc bố mẹ đánh con là “giáo dục bình thường”, thậm chí công an, thầy cô giáo có chứng kiến trẻ bị bạo hành cũng gọi phụ huynh đến nói chuyện vài câu rồi vẫn trẻ em vẫn phải về nhà, vì không biết đưa đứa trẻ đi đâu cả. VN rất ít trung tâm nuôi dưỡng trẻ em và chủ yếu dành cho các trẻ em mồ côi, chưa từng nghe đến việc nhận nuôi trẻ em còn bố mẹ, thủ tục xác minh cũng khá rắc rối. Chưa từng thấy ở VN có quy định tách trẻ em khỏi người nuôi dưỡng bạo lực, tức là dù xét xử thế nào, nạn nhân vẫn phải quay về với đao phủ và khi ấy nguy cơ trẻ bị bạo hành còn cao hơn!

Nguyên nhân tiếp theo không kém phần quan trọng là không có chế tài bảo vệ/buộc bố mẹ sau ly hôn phải chăm sóc con cái. Như trong câu chuyện bé gái tử vong vừa qua, mẹ cháu bị người bố ngăn cản nên cả năm chưa được đến gặp con, vì vậy khi bé bị hành hạ không biết kêu ai. Chỉ cần lên mạng ta sẽ thấy vô số câu chuyện vè việc bố mẹ, mà đa phần là bố, không thăm nom gì con sau ly hôn, thậm chí không gửi tiền cấp dưỡng dù số tiền ấy theo quy định của luật VN là vô cùng ít ỏi. Trường hợp bố mẹ sau khi ly hôn thù ghét nhau nên ngăn cản người kia thăm nom con cái cũng phổ biến không kém. Căn cứ theo Điều 53 nghị định 167/2013/NĐ – CP quy định về hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau thì “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau”. Đấy là lý do mà dù Việt Nam có 15 cơ quan, tổ chức có chức năng bảo vệ trẻ em nhưng tác dụng gần như bằng không!

Tổng hợp các lý do trên, ta có thể thấy trẻ em ở VN hoàn toàn phụ thuộc vào bố mẹ,  nếu may mắn sẽ có bố mẹ tốt còn nếu không may thì sẽ hoàn toàn bơ vơ, không ai bảo vệ.

Muốn giải quyết tình trạng này thì cả cần cấp thiết cải tiến hệ thống luật pháp và giáo dục ở VN.

  1. Cần có thiết chế bảo vệ trẻ em một cách thực tế. Ở VN đã có tổng đài 111 để bảo vệ trẻ em nhưng việc truyền thông còn yếu nên chưa nhiều người biết đến, hơn nữa hiệu quả giải quyết chưa cao và kinh nghiệm ở VN là rất nhiều khi người trực hotline không có nghiệp vụ hay không đủ tinh thần trách nhiệm như trường hợp Thủ tướng kiểm tra số hotline thời covid mà báo chí đã đăng. Hãy áp dụng quy chế như ở các nước phát triển, hễ phát hiện trẻ em bị ngược đãi, nếu nhẹ thì phạt tiền, nhắc nhở, nặng hơn bố mẹ có thể bị tạm giam còn nghiêm trọng thì bố mẹ sẽ bị tước quyền nuôi dưỡng, con sẽ được đưa vào trại chăm sóc, thậm chí cho làm con nuôi mà bố mẹ không được can thiệp. Các địa phương cần có bộ phận công tác xã hội để tiếp nhận những thông tin về phụ nữ, trẻ em bị bạo hành và kịp thời trợ giúp. VN cũng cần xây dựng những trung tâm chăm sóc trẻ em bị bạo hành để thu nhận trẻ em, chăm sóc cả về thể xác và tinh thần để các em có thể phát triển bình an.
  2. Cần tuyên truyền giáo dục trong cả xã hội và nhà trường để bỏ ngay tư tưởng “bố mẹ có quyền tuyệt đối với con cái, có quyền dạy dỗ trẻ em bằng bạo lực”. Cũng cần thay đổi tư duy buộc trẻ em tuyệt đối phục tùng người lớn để có can đảm tố cáo khi cần thiết. Trong chương trình giáo dục ở trường cần cho trẻ em học về quyền của mình, để biết bảo vệ bản thân. Bên cạnh việc yêu cầu hàng xóm, giáo viên, bất kỳ ai chứng kiến trẻ em bị bạo lực cần báo cáo ngay cho người có trách nhiệm, cần có chế tài cho những người chứng kiến mà không thông báo.
  3. Cần có chế tài bảo vệ/buộc cha mẹ chăm sóc con sau ly hôn. Ở các nước phát triển, tiền cấp dưỡng sẽ tự động được trừ từ lương của bố/mẹ, nếu trốn tránh cấp dưỡng hay chăm sóc con hoặc ngăn cản vợ/chồng chăm sóc con sẽ bị phạt nặng, thậm chí thân bại danh liệt.

Bé An đã ra đi tức tưởi không chỉ bởi sự độc ác của mẹ kế hay sự đồng loã của bố đẻ mà chính là vì hệ thống luật pháp bất lực và tư tưởng giáo dục khiếm khuyết này. Thế nên đừng mất công lên án suông nữa, hãy cùng lên tiếng để hệ thống luật pháp và giáo dục phải sửa đổi, nếu không thì những trường hợp thế này vẫn sẽ tiếp tục xảy ra và CHÍNH CHÚNG TA LÀ NGƯỜI CÓ LỖI!

(Bài đã đăng trên BBC Vietnamese, ở đây https://www.bbc.com/vietnamese/forum-59821659. Vượt tưởng lửa bằng Kproxy.com nhé)

[1] https://ourworldindata.org/violence-against-rights-for-children

TP HCM: Toàn cảnh vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành dẫn đến tử vong ở Bình Thạnh - Ảnh 1.

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *