NGHĨ MÀ KINH!

2 No tags Permalink

Ngày Tết gặp bạn bè, bạn than thở con tốt nghiệp ĐH là không nghe lời bố mẹ nữa, từ công việc đến hôn nhân đều chỉ biết ý mình. Trứng làm sao khôn hơn vịt, sau này khổ biết làm sao!

Mình bảo, bố mẹ mình vốn người HN, vì lý lịch mà phải xuống Hải Phòng làm việc, cuộc sống thời bao cấp ở thủ đô còn dễ chịu một chút chứ ở các nơi khác vô cùng khó khăn. Suốt thời thơ ấu cả nhà mình sống trên tầng 3 một căn nhà thời Pháp để lại, vốn chỉ là nơi hóng mát của gia đình chủ nhà ngày xưa nên không có công trình phụ nào. Cả nhà 5 người nhét trong 1 căn phòng 24m2, may còn có cái sân thượng 10m2, nấu ăn tắm rửa giặt rũ tất tật ở đó. Cả khu 8 gia đình khoảng hơn 30 người dùng chung 2 ngăn nhà vệ sinh ở sân công cộng và một vòi nước chỉ chảy ri rỉ. Việc quan trọng nhất của mỗi nhà từ sáng sớm đến đêm khuya là xếp hàng lấy nước, nhà trên gác còn thêm nhiệm vụ xách nước lên nhà. Nhờ vậy mình quen xách nặng và không sợ bóng tối vì ngày nào cũng chờ đến đêm để nước chảy mạnh hơn và ít người hơn rồi xách lên nhà.

Ước mơ thời ấy của bố mẹ mình là được về HN cho gần gia đình và đỡ vất vả nhưng thủ tục nhiêu khê, lại không quen biết mà muốn dời cả gia đình là rất khó. Ngoài khó khăn kinh tế, bố mẹ mình không có người thân ở Hải Phòng, thời đó đi lại rất khó khăn, cả năm mới về HN được 1-2 lần nên rất cô đơn. Hai cụ lại có lối sống khác xa người Hải phòng, ít bạn bè, ở cơ quan lại bị kỳ thị vì lý lịch, thành ra suốt thời nhỏ mình hiếm khi thấy bố mẹ vui vẻ.

Cứ thế cuộc sống chật vật kéo lê hàng chục năm, đến mức các cụ cũng đã quen, tưởng như không còn sự lựa chọn nào khác.

Năm 1985 mình tốt nghiệp ĐH về nước, kinh tế VN lúc ấy rất khó khăn nhưng Hải Phòng nhờ có cảng và chính sách của ông Đoàn Duy Thành nên được coi là khá hơn các nơi khác ở miền Bắc. Bố mẹ mình lo con đi nước ngoài về ngơ ngác, nên muốn mình ở Hải Phòng cho gần gia đình. Để thuyết phục hai cụ, lúc ấy đã mua được nhà mới, hứa cho mình cái nhà cũ, tìm việc làm cho, thậm chí làm mối con người bạn cho luôn. Cuộc sống các cụ thu xếp lúc ấy thật sự có vẻ rất ổn, và là phương án tốt nhất vào thời điểm đời sống của sinh viên mới ra trường rất gian nan.

Nhưng mình đã quá chán cuộc sống ở Hải Phòng vì thấy cơ hội cho trí thức ở đó quá ít nên nhất quyết muốn về HN. Bố mình bảo, con không muốn ở đây với gia đình thì bố đành chịu nhưng sau này sướng khổ con tự chịu vì bố mẹ không giúp được. Thêm việc mình lấy chồng xa, rồi cô em mình cũng đòi ở lại HN theo chị làm cụ càng thêm phiền lòng, thậm chí có giai đoạn cụ rất căng thẳng với mình…

Cuộc sống của hai vợ chồng khi mới cưới thật sự rất khó khăn, ăn bữa nay không biết bữa mai. Ở nhà tập thể tạm bợ, lúc nào cũng có thể bị đuổi ra ngoài, đến nước tắm đủ dùng cũng là cả một mơ ước. Vợ chồng mới cưới, tính nết có lúc không hợp, hàng xóm bắt nạt, cơ quan thì ma cũ bắt nạt ma mới, đủ thứ khổ đến mức không dám sinh con nữa. Khổ nhất là dù khổ đến đâu cũng không dám than thở gì vì sợ phải nghe câu:“Đã bảo rồi mà”. Nhưng dù khó khăn thế nào mình cũng chưa từng hối hận vì được tự quyết cuộc sống của mình và vợ chồng đều quen chịu khổ, đỡ đần nhau rồi cũng qua. Mãi cho đến sau mở cửa, người có học có đất dụng võ, đời sống mới dần khá lên. Sau đó mình làm được giấy tờ đưa hai cụ về HN, rồi cậu em mình cũng theo về, tức là giấc mơ của hai cụ đã thành hiện thực.

Về HN trong thời mở cửa, cuộc sống dễ thở hơn nhưng nhiều khi lại rất nhớ Hải Phòng, dù gì cũng đã có cả thời thơ ấu ở đó. Mỗi khi đi công tác hay đi chơi qua Hải Phòng, mình đều ghé về thăm nhà cũ. Hàng xóm vẫn nhớ bọn mình, thậm chí có nhà còn mua lại phòng cũ nhà mình cho con ở vì tin là phong thủy tốt cho đường học hành! Nhưng dù rất trân trọng tình cảm của mọi người, trân trọng quá khứ, mỗi lần nghĩ nếu mình vì cái danh hão là “con ngoan” mà nghe lời hai cụ thì giờ chắc vẫn chết kẹt trong cái lồng chim ấy, mòn mỏi hàng ngày trong văn phòng công ty nào đó để lấy vài đồng lương hành chính, không biết có giả bộ hiền lành đủ để cưa được anh zai Hải Phòng nào không, mà nếu cưa được thì chắc còn tệ hơn hai cụ nhà mình, cả ngày chỉ ngồi thở dài chờ chết vì hai cụ còn có nhau chứ mình với anh kia có gì chung đâu! Mình không chê gì Hải Phòng cả, còn biết ơn bố mẹ vì đã lo cho mình, chỉ là đó không phải là cuộc sống của mình thôi. Mà sống cuộc đời không phải của mình, lúc nào cũng hối tiếc, oán hận thì thà chết luôn còn hơn!

Chưa kể sự quyết tâm của mình ngày ấy đã giúp hai cụ thực hiện được ước mơ quay về quê cha đất tổ, có những năm cuối đời sum vầy với anh chị em, có cơ hội sống cuộc sống mà cụ muốn. Vì cụ về nên cậu em trai mình về theo, nhờ thế hai đứa cháu mình có cơ hội học hành và có công việc tốt hơn. Vì em trai mình về nên nhà vợ nó cũng về theo, tức là quyết định của mình đã gián tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người, đến giờ chưa thấy ai hối hận cả.

Lần cuối cùng mình về Hải Phòng, thấy cái cầu thang gỗ từng là ác mộng của đời mình những đêm hì hục xách nước lên gác, mấy bậc thang bị sứt vẫn nguyên như thế. Phần mặt phố được sơn phết để cho thuê thì lung linh hơn chứ trong khu nhà thì vẫn vậy, trẻ con thế hệ sau đang cãi nhau tưng bừng tranh cái sân chung. Đi qua cái ngõ tối lạnh ra phố, thấy cái quán nước đầu ngõ vẫn y như thế, chỉ khác là ông bạn học ngày xưa đã thay chỗ cho bà mẹ già. Nhìn ông bạn đon đả chào, mình thấy ớn lạnh vì nếu ở lại, rất có thể mình đã thành đồng nghiệp của ông ấy và giờ chắc hai đứa đang lườm nhau để tranh khách!

Thế nên ở đời ngu nhất là sống theo ý người khác còn ác độc nhất là bắt người khác sống theo ý mình. Ta không phải Thượng đế, cũng chẳng thành đạt ghê gớm gì, sao chắc điều ta muốn là đúng đắn mà nếu đúng cho ta, chắc gì đã đúng cho người khác, dù là con cái đi nữa!

BỐ MẸ CHO CON SỰ SỐNG THÌ ĐỪNG TƯỚC ĐI QUYỀN SỐNG CỦA CON CHỨ?

You can't live your life for other people - Life Quote - 101 QUOTES

 

alt :
2 Comments
  • Nguyễn Hữu Chinh
    February 10, 2022

    Con biết ơn vì tìm thấy blog của cô. Chúc cô sức khỏe và có thêm nhiều bài chia sẻ nữa ạ!

    • nguyenhoanganh
      May 30, 2022

      Cám ơn em. Mong em tiếp tục ủng hộ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *