ỨNG XỬ THẾ NÀO KHI CON BỊ BẮT NẠT Ở TRƯỜNG???

0 No tags Permalink

Vụ bà mẹ livestream vụ con đánh nhau ở trường QT đang làm nóng lại vấn đề này trong xã hội. Ngẫm lại thì ai từng đi học đều đã từng trải qua việc này. Hồi mình đi sơ tán, bị trẻ con ở làng ghét vì trông trắng trẻo, lại học giỏi nên hay được giáo viên khen. Một hôm trên đường đi học về mình bị một đám con trai chặn đánh. Chúng chờ lúc đường vắng mới xông ra, mình chỉ có một mình, chưa từng đánh nhau với ai. Bí quá hoá liều, mình xông lên đập cái cặp khá nặng vào thằng đứng đầu, cả lũ ngây ra, mình lách qua chạy mất. Đúng lúc ấy có người đến nên chúng không dám đuổi theo, thế là mình thoát. Từ đó mình không dám về một mình nữa, chúng nó thấy mình dữ nên cũng tránh, rồi cũng yên.

Nhưng việc mình bị bắt nạt không đáng sợ bằng con mình bị bắt nạt. Con lớn nhà mình trời thương khoẻ mạnh, cá tính, cung bạn bè tốt nên hồi nhỏ ít gặp rắc rối. Nhưng con bé nhà mình từ nhỏ ốm yếu, lại khá nổi bật, luôn làm mình phải lo lắng. Một lần mình đang ở Anh, hồi ấy Internet còn hạn chế mà chiều vừa vào học chồng hớt hải gọi điện hỏi số phone của bác sĩ quen để đưa con vào viện cấp xứu. Hoá ra con đi học mẫu giáo, lúc chơi ở sân trường không biết tranh cãi gì bị một bạn xô ngã, rách da mặt sát ngay mắt, máu chảy nhiều. Cô giáo gọi bố, bố gọi mẹ, con vào viện bị khâu một vết dài. Cả gia đình và nhà trường đều hoảng hốt suốt cả tuần, cô giáo xin lỗi rối rít, bố mẹ bé kia cũng xin đền tiền thuốc men, chỉ mong nhà mình bỏ qua. Lúc ấy mình ở xa, nhớ đến đứa con mũm mĩm, gương mặt trắng trắng mềm mềm mà một nốt muỗi cắn mình cũng đau lòng, giờ bị khâu, còn có nguy cơ bị sẹo, lòng như xát muối, lúc nào cũng như nghe thấy tiếng con khóc. Mất cả tháng cháu mới lành được, may mà sẹo không rõ ràng lắm.

Đến năm cháu vào tiểu học thì tình hình nghiêm trọng hơn. Cháu vốn sức khoẻ không tốt, khá trầm tính, chỉ chăm học, lại trông dễ thương nên được đa số bạn bè và giáo viên quý mến. Mối quan tâm lớn nhất của mình là con khoẻ mạnh, an toàn, vui vẻ, học hành thì đến đâu hay đến đấy. Nhưng một hôm cô giáo gọi mình đến vì một bạn học của cháu bị mất đồ, cô giáo khám thấy đồ trong túi của cháu. Cháu mới học lớp 2, sự việc này quá đột ngột và quá sức của cháu. May mà một bạn học cho biết giờ ra chơi đã nhìn thấy bạn khác lén bỏ đồ vào ngăn bàn của cháu. Trẻ con còn chưa biết trốn tránh, hỏi thì thủ phạm khai nhận ngay. Hoá ra cô bé ấy ghét bé nhà mình vì thấy cháu được bố mẹ chiều chuộng, ngày nào cũng đưa đón, trong lớp ai cũng yêu quý, lại còn học giỏi nên muốn dìm cháu xuống cho bõ ghét. Khi gặp thủ phạm mình rất ngạc nhiên khi nhận ra cháu là một cô bé xinh đẹp, quần áo đắt tiền, bố mẹ còn trẻ, là người có học, khá giả, không hiểu vì sao cháu lại làm những việc quá đáng khi còn nhỏ như vậy! Hỏi kỹ hơn mới biết bố mẹ cháu quá bận làm ăn, nhà lại có 1 em trai, không ai có thì giờ để ý đến cháu làm cháu sinh lòng ghen tức. Các nhà tâm lý học cho biết trẻ em quậy phá nhiều khi chỉ là một cách để gây sự chú ý cho bố mẹ. Nhìn cô bé mình rất lo ngại nhưng việc ấy nằm ngoài tầm của mình, chỉ biết lo cho con thôi. Trong cảnh đứa trẻ khóc lóc, mẹ cháu rối rít xin lỗi, thậm chí muốn bồi thường vì sợ con bị ghi vào học bạ, mình chỉ biết nhắc để ý con hơn rồi đưa con về.

Trong tất cả những vụ việc ấy, chưa có lúc nào mình muốn bắt đền nhà trường hay gia đình kia vì mình biết trông trẻ rất khó chu toàn, bình thường trường đối xử với con mình cũng tốt, không nên vì một lần không may mà phủ nhận. Đều là trẻ con cả, các cháu kia cũng chỉ nghịch ngợm, biết lỗi rồi thì thôi. Trẻ con chưa có đủ lý trí, lại hiếu đông nên khi ở chung dễ tranh cãi nhau, thậm chí đánh nhau, ngay anh chị em ruột cũng khó tránh khỏi nữa là bạn học ở trường. Trường hợp anh chị em vô ý gây thương tích nặng cho nhau cũng không ít, dù nhà chỉ có vài đứa trẻ bố mẹ cũng không quản hết được nữa là giáo viên quản hàng chục, hàng trăm trẻ con ở trường.

Nhìn rộng ra, kể từ khi có trường học đã có bắt nạt ở trường học và đáng buồn là tình trạng này phổ biến ở mọi quốc gia. Theo PISA, “Bắt nạt là một dạng hành vi tấn công cụ thể bao gồm các hành động tiêu cực, không mong muốn, trong đó một người nào đó cố ý nhiều lần làm hại và gây khó chịu người khác làm họ khó tự vệ được. Hành vi này được đặc trưng bởi sự lạm dụng quyền lực có hệ thống và mối quan hệ quyền lực bất bình đẳng giữa kẻ bắt nạt và nạn nhân. Bắt nạt có thể là (1):thể xác (đánh, đấm, đá…), (2) bằng lời nói (gọi tên và chế giễu) và quan hệ (truyền bá tin đồn và tham gia vào các hình thức sỉ nhục, bôi nhọ và kỳ thị xã hội khác). Với việc sử dụng rộng rãi công nghệ thông tin và truyền thông, bắt nạt trên mạng đã trở thành một loại quấy rối khác giữa học sinh diễn ra thông qua các thiết bị và công cụ kỹ thuật số”.

Một điều ngạc nhiên khác là những xứ giàu có, phát triển cũng không thoát khỏi tệ nạn này. Một báo cáo của OECD cho biết nước có tỷ lệ bắt nạt học đường cao nhất ở châu Âu và Bắc Mỹ chính là CH Áo, nước đứng thứ 2 là Estonia, thứ 3 là nước Nga (thậm chí báo cáo còn cho rằng việc Nga thù địch với các quốc gia khác chính là vì họ đã quen bị bạo lực học đường từ tuổi thơ), thứ 4 là Bỉ, thứ 5 là Bồ Đào Nha, thứ 6 là Canada, thứ 7 là Thuỵ sĩ, thứ 8 là Pháp, thứ 9 là Luxembourgh và thứ 10 là Balan. Có nhiều báo cáo với những kết quả có chút khác nhau, thậm chí có báo cáo còn xếp Nga ở vị trí thứ nhất nhưng cơ bản cũng không khác nhau nhiều lắm. Các nghiên cứu này cho thấy bạo lực học đường ở đâu cũng có, ngay cả những nước giàu, có nền giáo dục tiên tiến cũng không thoát được và bố mẹ ở đâu cũng phải học cách bảo vệ con mình.

Theo mình ta nên hướng dẫn con tôn trọng nhà trường, thầy cô giáo và các quy định vì như vậy khả năng con được nhà trường ủng hộ khi có tranh chấp sẽ cao hơn, khả năng giáo viên bắt nạt con sẽ nhỏ hơn. Mình không dạy con đánh lại kẻ bắt nạt vì con nhà mình là con gái, lại không to khoẻ gì nên khả năng thắng không cao. Hơn nữa, nếu trường biến thành nơi tỉ thí thì đó không phải là nơi mình muốn cho con đến học. Mình dạy con tránh xích mích với bạn bè, nếu có chuyện gì dù nhỏ cũng nên nói với bố mẹ để phòng rủi ro sau này. Nếu gặp chuyện, đừng đối đầu mà hãy tìm người lớn đề trông cậy. Bí quá thì có thể chống lại nhưng phải để đường lùi cho mình, như nên tựa vào tường để tránh bị đánh lén, không dùng thứ sắc nhọn dễ nguy hiểm… Và con phải hiểu, bố mẹ lúc nào cũng bảo vệ con nên con đừng giấu diếm gì cả.

Trong bốn trụ cột giáo dục của UNESCO “Học để biết, học để làm; học để hoàn thiện bản thân mình, học để cùng chung sống” thì học để chung sống là khó nhất. Trường học chính là nơi trẻ em thực tập để sau này học cách chung sống trong xã hội. Nếu bố mẹ dạy con gặp bất kỳ chuyện bất như ý nào cũng rạch mặt ăn vạ như vậy thì sau này con làm sao được sống yên bình??

Hình 1: Tình hình bắt nạt học đường trên thế giới theo khảo sát của PISA, ta sẽ thấy con số này ở VN là khá thấp.

Bullying | PISA 2018 Results (Volume III) : What School Life Means for  Students' Lives | OECD iLibrary

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *