SỰ HÌNH THÀNH NHÀ NƯỚC HIỆN ĐẠI

0 No tags Permalink

Các nhà nước hiện đại được hình thành lần đầu tiên ở châu Âu vào khoảng thế kỷ 15 đến thế kỷ 18. Sau đó, mô hình này được lan rộng ra thông qua quá trình thực dân hóa của các cường quốc châu Âu; và khi các thuộc địa giành được độc lập, họ thiết lập mô hình nhà nước hiện đại tương tự.

Lịch sử

Nhà nước phong kiến

Ban đầu, trước khi nhà nước hiện đại đầu tiên được thành lập, trước năm 1500, châu Âu bao gồm các nhà nước phong kiến có nhiều điểm khác biệt với các nhà nước hiện đại, quan trọng nhất là các nhà nước phong kiến không tuyên bố chủ quyền cũng như không có một chủ quyền được thừa nhận.

Trong chế độ phong kiến, có nhiều chủ quyền chồng lấp lên nhau. Lòng trung thành là trung tâm của hệ thống phong kiến, giữa các chư hầu đối với các lãnh chúa. Tuy nhiên mối quan hệ này thường xuyên thay đổi, khi chư hầu chuyển lòng trung thành của mình từ lãnh chúa này sang lãnh chúa khác.

Chế độ chuyên chế

Sang thế kỷ 15, chế độ phong kiến dần nhường chỗ cho chế độ chuyên chế, trong đó một vị vua tuyên bố chủ quyền tối cao đối với người dân và lãnh thổ của mình.

Các lãnh chúa lớn với ưu thế về kinh tế và quân sự dần đánh bại các lãnh chúa địa phương, xóa bỏ chủ quyền của họ và tiến đến khẳng định quyền lực tuyệt đối của mình.

Các nhà nước chuyên chế chứa đựng những đặc điểm phôi thai của nhà nước hiện đại như có quân đội thường trực, tiến hành các hoạt động ngoại giao chuyên nghiệp (có vai trò quyết định với chủ quyền bên ngoài), một bộ máy hành chính tập trung, hệ thống thuế và các chính sách phát triển kinh tế (có vai trò quyết định đối với chủ quyền bên trong). Tính chính danh của nhà nước dựa trên truyền thống và chế độ gia trưởng. Và bởi vì nhiều vương quốc lúc đó thiếu một ngôn ngữ chung, nên các quan chức nhà nước, cả quân sự lẫn dân sự, thường không tự coi họ là thành viên của cùng một cộng đồng với người dân, mà thay vào đó, là những người do vua bổ nhiệm.

Như vậy, nhà nước không được hiểu như một tập hợp các thiết chế tách biệt với nhà vua. Đúng hơn, như Louis XIV của Pháp từng tuyên bố, “ta là nhà nước”.

Nhà nước hiện đại

Năm 1648, cùng với hòa ước Westphalia, cuộc chiến tranh tôn giáo kéo dài 30 năm ở châu Âu đã kết thúc. Hiệp ước đã chính thức hóa ý tưởng về nhà nước như các thực thể bình đẳng về pháp lý, có chủ quyền đối nội và đối ngoại trong ranh giới lãnh thổ, cũng như có thể bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình thông qua ngoại giao, nếu có thể, hay chiến tranh nếu cần thiết.

Lời thề Tuyên thệ Phê chuẩn Hiệp ước Münster, tranh sơn dầu của Gerard Ter Borch, 1648, miêu tả cuộc dàn xếp của Hòa ước Westphalia – Photos.com/Thinkstock

Các cuộc chiến tranh sau đó theo nguyên tắc “mạnh được yếu thua” đã sát nhập và làm giảm số lượng nhà nước ở châu Âu từ khoảng 500 nước xuống còn khoảng 50 nước như ngày nay. Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các nhà nước đã thúc đẩy việc tiến tới một nhà nước hiện đại cùng với sự phát triển một hệ thống thuế hiệu quả hơn, một hệ thống hành chính quy củ hơn, và một quân đội mạnh hơn.

Cùng với đó, các nhà nước ngày càng coi trọng sự trung thành của người dân đối với nhà nước, khi người dân ngày càng đóng góp vào thuế và phục vụ trong quân đội nhiều hơn. Do đó, nhà nước bắt đầu quá trình hình thành dân tộc, thông qua mở rộng giáo dục công, cũng như chuyển từ việc sử dụng tiếng Latin hay tiếng Pháp (trong giới quan chức, quý tộc) sang sử dụng ngôn ngữ bình dân để người cai trị và người dân có thể giao tiếp trực tiếp, và do đó gia tăng tính chính danh cho người cai trị. Quá trình kéo dài này cuối cùng đã tạo ra các dân tộc hiện đại, mà hầu hết trong số đó xuất hiện vào giữa thế kỉ 19.

Nhà nước hiện đại thực sự xuất hiện khi nhà nước được xem như tách biệt với người cai trị. Quan niệm này phát triển cùng với ý tưởng về việc áp đặt một số giới hạn đối với quyền lực của người cai trị. Từ đó, nhà nước như một tập hợp các thiết chế nắm giữ yêu sách của nó đối với chủ quyền tuyệt đối, trong khi đó, quyền lực của các quan chức và những người cai trị được ủy nhiệm và bị giới hạn. Người dân cuối cùng đã chuyển từ thần dân (của vua) sang công dân (của nhà nước). Các sự kiện củng cố những ý tưởng trên bao gồm Cách mạng Vinh Quang Anh 1688, thiết lập chế độ quân chủ lập hiến; Cách mạng Mỹ 1776 thiết lập nền cộng hòa Mỹ; hay Cách mạng Pháp 1789 thiết lập nền cộng hòa dân chủ ở Pháp. Có thể nói, cho đến lúc này, các đặc điểm của nhà nước hiện đại đã được định hình ở Châu Âu: về ranh giới lãnh thổ, chủ quyền, sự tách biệt giữa nhà nước và người cai trị, thiết lập tính chính danh dựa trên thủ tục pháp lý – duy lý, cùng với một bộ máy hành chính chuyên nghiệp.

Ngoài lãnh thổ châu Âu, Trung Quốc là một ngoại lệ đã có bộ máy hành chính chuyên nghiệp từ rất sớm, nhưng vào lúc đó, nó không hội tụ đủ những thành tố để được coi là một nhà nước hiện đại. Sau đó, với sự nổi lên của các cường quốc châu Âu, cũng như sự mở rộng của chủ nghĩa thuộc địa, mô hình nhà nước hiện đại được phổ biến ra thế giới, và sau khi các quốc gia thuộc địa giành được độc lập, thì họ thiết lập mô hình nhà nước tương tự.

Thế giới ngày nay là thế giới của các nhà nước – dân tộc.

  • Các chế độ chính trị

Chế độ chính trị là một tổng thể bao gồm nhiều yếu tố: các nguyên tắc về luật pháp như hiến pháp quy định đặc điểm của thể chế chính trị, và các nguyên tắc khác như hệ thống các đảng phái, các cá nhân nắm giữ quyền lực, hệ tư tưởng…

Chế độ chính trị thể hiện cách tổ chức các cơ quan trong một nhà nước nhất định. Mỗi chế độ chính trị đều có các quan điểm khác nhau về chủ quyền, về mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, về các nguyên tắc mà nhà lãnh đạo phải tuân theo. Chế độ chính trị quy định nhiệm vụ của các cơ quan công quyền và định hướng các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội.

Chế độ chính trị phản ánh các đặc điểm cơ bản của toàn bộ hệ thống hành chính của mỗi nước.

  • Phân loại chế độ chính trị theo quan điểm truyền thống

Chế độ chính trị theo quan điểm triết học Hy Lạp

Bằng cách quan sát cách thức tổ chức bộ máy ở các thành bang, các nhà tư tưởng thời Hy Lạp cổ đại phân loại các chế độ chính trị theo số lượng người nhiều hay ít, có quyền tham gia vào bộ máy điều hành nhà nước hay không.

Bản đồ một số thành bang Hy Lạp cổ đại và quê hương của các nhân vật trong The Iliad và Odyssey – Nguồn: Wikipedia, giấy phép Creative Commons 3.0, Pinpin

Một nhà nước được đánh giá là tốt đẹp hay tồi tệ là dựa vào phẩm chất của người có quyền lực và vai trò của họ trong việc ban hành các chính sách quan trọng. Aristote đã nghiên cứu các bản Hiến pháp của 150 thành bang trong thế kỷ thứ IV trước công nguyên, từ đó xây dựng lý thuyết về ba kiểu chế độ chính trị:

  1. Chế độ quân chủ, do nhà vua đứng đầu, người đứng đầu chịu trách nhiệm điều hành đất nước, ban ra các điều luật buộc mọi người phải tuân theo, người đứng đầu phải luôn hành động vì lợi ích chung của nhân dân. Khi vua không thực hiện tốt bổn phận của mình, chế độ quân chủ sẽ chuyển thành chế độ bạo chúa hay hôn quân;

  2. Chế độ quý tộc do một nhóm người điều hành, họ là những người ưu tú được tuyển chọn trong các gia đình có thế lực, họ điều hành đất nước bằng luật pháp nhằm duy trì trật tự và bảo vệ quyền lợi cho chính họ và gia đình, sau đó bảo vệ quyền lợi của những nhóm người khác nhau. Chế độ này có thể chuyển hóa thành chế độ đầu sỏ độc tài;

  3. Chế độ dân chủ, do nhiều nhóm người lãnh đạo luân phiên nhau, thông qua hình thức lựa chọn bốc thăm, và bầu cử các đại diện cao nhất nắm giữ các chức vụ chủ chốt. Công dân vừa là người lãnh đạo vừa là người phải tuân theo các điều luật của Nhà nước, tuy nhiên mỗi công dân trong đời đều có điều kiện làm lãnh đạo một năm theo tính chất luân phiên. Chế độ dân chủ có thể chuyển hóa thành chế độ dân đen lãnh đạo vì nhiều người thiếu hiểu biết vẫn có cơ hội điều hành đất nước, điều này khiến Platon và Aristote luôn tỏ ra nghi ngờ về chế độ dân chủ thời Hy Lạp cổ đại.

Chế độ chính trị theo quan điểm của Montesquieu

Ở thời kỳ Khai Minh, Montesquieu trong tác phẩm Tinh thần pháp luật, 1748, xây dựng ba kiểu chế độ chính trị:

  1. Chế độ quân chủ, đứng đầu là nhà vua, nhân vật này lãnh đạo đất nước bằng danh dự;

  2. Chế độ cộng hòa, do một chính quyền đại diện gồm các cá nhân ưu tú được tín nhiệm qua hình thức lựa chọn, chế độ này lãnh đạo đất nước dựa trên các tiêu chuẩn đạo đức;

  3. Chế độ chuyên chế áp bức lãnh đạo đất nước bằng cách gieo rắc sợ hãi để giữ ổn định.

Chế độ quân chủ và chế độ cộng hòa đều có thể chuyển thành chế độ độc tài áp bức. So với quan điểm của Aristote, Montesquieu tiến thêm một bước xa hơn, bằng cách phân tích các thể chế chính trị dựa trên các thuộc tính vốn có của nó.

Quan điểm của Montesquieu có ảnh hưởng đến việc phân loại các chế độ chính trị dân chủ và phi dân chủ trong giai đoạn hiện đại. Ví dụ khi nhận định các chế độ theo hệ tư tưởng Đức quốc xã, theo chủ nghĩa phát xít, Stalinist hay Marxist là các thể chế độc tài được cai trị bằng dối trá và sợ hãi, ta có thể áp dụng phân tích của Montesquieu, vì trong các thể chế này, hệ tư tưởng và tình cảm sùng bái lãnh tụ được đặc biệt chú trọng.

  • Phân loại thể chế chính trị theo cách thức tổ chức quyền lực

Chế độ chính trị theo nguyên tắc quyền lực thống nhất (tập trung)

Khi các quốc gia không phân chia quyền lực minh bạch, rõ ràng theo nguyên tắc thống nhất về quyền lực dưới hình thức dân chủ tập trung, đây là nguyên nhân khiến cả hệ thống chính trị hoạt động thiếu dân chủ.

Các cơ quan lập pháp hành pháp và tư pháp không có tính độc lập tương đối, quyền lực không tách biệt mà do một người hay một nhóm người nắm giữ. Quyền lực tập trung không có cơ chế kiểm soát hiệu quả, các nhà lãnh đạo có xu hướng lạm quyền, kết quả là quyền con người và các giá trị dân chủ bị vi phạm nặng nề.

Khi quan sát hệ thống chính trị vẫn đang tồn tại ở một số nước, nếu nhiệm vụ giám sát các đạo luật vi hiến không được tiến hành, hay nguyên tắc tam quyền phân lập không được tôn trọng, khi chỉ có một đảng được phép điều hành đất nước mà không có cạnh tranh chính trị, ở các quốc gia đó sẽ không có dân chủ, cho dù quốc hiệu luôn đi kèm với từ dân chủ. Ví dụ, khái niệm nền dân chủ nhân dân để chỉ các nước Đông Âu và Liên bang Xô viết trước đây, hay Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên hiện nay.

Chế độ chính trị theo nguyên tắc phân quyền

Đây là chế độ chính trị thường được áp dụng ở các nước châu Âu và Mỹ, trong đó việc cân bằng và phân bổ quyền lực hợp lý giữa các cơ quan luôn được đảm bảo, cơ chế “kiểm soát và đối trọng” là đặc điểm nổi bật của các thể chế dân chủ.

Có nhiều dạng phân quyền khác nhau, như nguyên tắc tam quyền phân lập triệt để, hay tam quyền phân lập tương đối (không có nghĩa là không có sự hợp tác nào giữa các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp).

Hiện nay có ba kiểu chế độ chính trị phổ biến cùng tồn tại ở hai bờ Đại Tây Dương, bao gồm chế độ tổng thống, chế độ nghị viện và chế độ hỗn hợp. Nhiều nước đang phát triển trên thế giới lựa chọn kiểu chế độ chính trị này của phương Tây, nhưng do các điều kiện kinh tế chính trị và xã hội chưa đáp ứng được, nên thể chế chính trị tại các nước đang phát triển này đều có ít nhiều biến đổi.

BẠN MUỐN ĐƯỢC SỐNG TRONG CHẾ ĐỘ CHÍNH TRỊ NÀO???

 

Tài liệu tham khảo

  1. Carol Ann Drogus and Stephen Orvis. Introducing Comparative Politics: Concepts and Cases in Context

  1. Dictionnaire de la culture juridique, sous la direction de Denis Alland et Stéphane Rials, QUADRIAGE/LAMY-PUF, 2007.

  2. Les régimes politiques occidentaux, Jean-Louis Quermonne cinquième édition, Éditions du Seuil.

  3. Régimes totalitaires et autoritaires, Juan José Linz Paris, Armand Colin, 2006.

  4.   https://tinhthankhaiminh.blogspot.com/2018/04/nha-nuoc-hien-ai.html

  5.   https://tinhthankhaiminh.blogspot.com/2018/04/lich-su-nha-nuoc-hien-ai.html

Freedom Around the World (Based on Extent of Political Rights and Civil Liberties)

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *