Do đeo đẳng đề tài văn hóa kinh doanh, trong quá trình làm nghiên cứu mình có cơ hội phỏng vấn và quan sát người Việt cả trong và ngoài nước! Nhờ vậy, mình nhận ra nhiều điểm đáng quý ở người Việt như tính hiền hòa, tình cảm gia đình sâu nặng… Nhưng cũng có rất nhiều điểm ở người Việt làm mình ngao ngán, có thể đủ viết 1 cuốn “Người Việt xấu xí” nếu mình can đảm! Một trong những nhược điểm của người Việt chính là lúc nào cũng lo sợ! Ở cơ quan thì sợ sếp, đến nỗi không dám nói ra ý kiến riêng của mình, không dám làm gì trái ý sếp, dù chỉ là sở thích riêng. Sếp thích thể thao thì cả cơ quan chơi thể thao, sếp khen nhà hàng này ngon thì liên hoan nhất định phải đến đấy! Sợ đến nỗi bạn hàm oan cũng không dám chia sẻ, nói gì đến bênh vực! Về nhà sợ dư luận đến mức độ nói chuyện với vợ con cũng phải “giữ đúng lề bên phải”. Nhiều khi mình không hiểu, trong nhiều gia đình mình quen biết, vợ chồng chung sống bên nhau là do gắn bó hay chỉ là do sợ thay đổi??? Nỗi sợ trở nên ám ảnh đến nỗi đi nước ngoài cũng không thoát được! Tự đi chơi thì sợ lạc, đi với người nước ngoài sợ rắc rối. Dù ghét nhau đến mấy nhưng ngườiViệt hễ ra ngoài là phải túm tụm với nhau vì đi một mình, dù là đi thư viện cũng sợ! Vì thế có những người ở nước ngoài hàng mấy năm nhưng vẫn chẳng biết gì ngoài mấy địa điểm bắt buộc như ký túc xá, trường học, cửa hàng… Ngoài mấy tấm ảnh chụp ở mấy danh lam thắng cảnh và một đống đồ sale off, hiếm người biết gì về cuộc sống bên ngoài. Mình có dịp đọc blog của mấy bạn bên Praha, thấy cũng “bay bổng” phết, mỗi tội họ chả biết địa danh nào của TP được mệnh danh là Paris tại Đông Âu này! Ở Praha bao năm mà quanh đi quẩn lại chỉ biết “Quảng trường con ngựa” mà không biết tên thật của nó là Quảng trường Vaclav; cầu Karluv, cây cầu đá nổi tiếng từ thế kỷ 15 ấy thì gọi là Cầu Tình, báo hại mình tưởng địa danh nào mới! Tưởng ra nước ngoài, môi trường sống ổn định, con người sẽ can đảm hơn, nhưng có vẻ vẫn như vậy! Như mình chứng kiến, nhiều Việt Kiều không chống phá Việt nam, nhưng chỉ vì sợ bóng sợ gió một vài Việt Kiều quá khích mà phải tránh né tiếp xúc với người Việt mới qua. Sống ở xứ tự do mà hợp tác làm ăn cũng sợ mang tiếng nọ kia. Đây có lẽ cũng là một lý quan trọng, vì sao người Việt ở nước ngoài ít người thành đạt! Thật mệt mỏi quá. Bài viết dưới đây đã nói đúng thực trạng ấy!
Nỗi sợ hãi của dân tộc
Từ thời sống trong rừng thiêng nước độc đến ngày nay, người Việt có nhiều nỗi sợ.
Một ông nông dân gọi cho tôi giọng có vẻ nghiêm trọng, nói sẽ cung cấp thông tin về mấy cán bộ thôn, xã làm việc bậy bạ, sai nguyên tắc.
Ông nói qua điện thoại nghe giọng run run, kêu tôi đừng tới nhà, chạy xe qua xã khác rồi gặp nhau nói chuyện. Vậy là phải chạy thêm mấy cây số. Cuối cùng, nghe ông nói thầm vô tai toàn những chuyện biết rồi. Vừa buồn cười, vừa tội nghiệp cái kiểu sợ quan của ổng. Sợ vậy hèn chi không bị đè đầu cưỡi cổ mãi cho.
Nghĩ nhiều, và nghiệm ra rằng cái đặc tính cố hữu của dân Việt mình là sợ. Có lẽ do xa xưa dựng nước mở cõi ở cái xứ rừng thiêng nước độc, nhiều mối đe dọa nhiều thú dữ, rắn rết… nên họ luôn phải sống trong nơm nớp lo sợ. Riết rồi thành quen, sợ mãi, cái gì cũng sợ. Luôn phải rụt mình lại trong tương quan với thế giới xung quanh.
Quây thành bầy đàn
Sợ nên phải sống quần tụ với nhau thành từng bầy đoàn, rồi thành từng làng khép kín. Nhiều người cho rằng tính cộng đồng, làng xã của dân mình có nguyên nhân từ văn hóa nông nghiệp, cần sự tương trợ, hợp sức lẫn nhau. Tôi nghĩ có khi cái đó chỉ là sau này thôi, còn nguyên nhân đầu tiên để người ta sống co cụm, dựa vào nhau đó là sự sợ hãi. Cuộc sống càng có nhiều bất trắc, hiểm họa từ xung quanh thì người ta càng sống gắn kết, quần tụ với nhau. Số đông luôn làm người ta yên tâm hơn, ít sợ hơn.
Từ thuở còn hoang sơ, dân mình đi chài lưới đánh cá dưới sông hay bị thuồng luồng ăn thịt. Dân lo sợ. Dân đến hỏi vua, vua mới bày cho dân một cách: các giống thủy quái nó hại mình là bởi mình khác nó, vậy cứ xăm lên người các hình thủy quái giống nó thì nó sẽ không hại mình nữa. Dân làm y vậy và không ai bị thuồng luồng hại nữa thiệt. Cũng từ đó xăm mình thành cái tập tục của người Việt.
Đó chẳng qua chỉ là một “chiêu” của vị vua hiền minh giúp thần dân vượt qua được nỗi sợ hãi, yên tâm làm ăn thôi. Chứ làm gì có thuồng luồng, mà có thì nó cũng sợ gì mấy cái hình xăm kia. Danh tướng Lý Thường Kiệt sau cũng dùng “chiêu” này. Để kích động sĩ khí, làm át đi nỗi sợ hãi của quân lính, ông cho người vào một ngôi đền thiêng ở gần đó đọc mấy câu thơ “thần”: “Nam quốc sơn hà nam để cư….”.
Bài “thơ thần” này có hướng đến đối tượng nghe là quân Tống không? Xin thưa là rất ít có khả năng đó. Quân Đại Việt ở bên này phòng tuyến sông Như Nguyệt, giặc đóng bên bờ Bắc con sông. Giữa chốn chiến trường ồn ào, hỗn loạn và cách nhau một con sông làm sao giặc bên kia sông nghe được bài thơ phát ra từ một ngôi đền thiêng bên này. Mà có nghe thì cũng chẳng có lí do gì để nó nghĩ đó là “thơ thần”, quân Tống chân ướt chân ráo qua đất này, có biết đền nào là thiêng hay không thiêng.
Vậy thì có thể nói bài “thơ thần” này chỉ là đọc cho lính mình nghe, để diệt cái nỗi sợ hãi, giúp phấn chấn tinh thần mà xông lên chiến đấu thôi. Sức mạnh dân tộc chỉ trỗi dậy khi nỗi sợ hãi tan biến.
Từ sợ đến hèn
Thế nhưng dân mình hay sợ quá, lắm khi thành hèn. Thời Pháp thuộc, ông Thống đốc Nam kỳ có ra một cái trát lệnh cho các quan Pháp phải đối đãi lễ phép hơn với người An Nam, không được để dân An Nam phải vái lạy. Không cho lạy rồi, nhưng dân An Nam mình quen tật, cứ thấy quan là lại… khòm lưng lạy. Hồi trước đó vua Thành Thái cũng đã có ra chỉ dụ là dân không được lạy người sống, ấy thế mà dân cứ lạy mãi. Quái chưa, không cho lạy mà cứ lạy. Vì sao? Vì sợ. Đến nỗi cụ Phan Khôi cũng ngán ngẩm nói: “Ta mà còn đê hèn vậy, mong gì ai trọng ta“. Rồi cụ còn cười buồn mà rằng dân mình cứ vái lạy mãi thế “có khi khỏi phải tập thể thao“[1]. Từ thuở khai thiên lập địa đến bây giờ dân minh cứ sợ mãi, sợ triền miên. Và bây giờ cũng còn sợ vậy thôi.
Nói chi thời Pháp thuộc, ngay đến thời XHCN rồi, mà dân còn sợ, còn lạy. Ở các đợt “Cải cách ruộng đất” những năm 50 của thể kỷ trước, khi các anh đội trẻ măng xuống xã, xuống làng làm “cải cách”, mấy cụ già tóc bạc nhìn thấy từ xa đã đứng nép sát một bên đường vái lạy dồn dập “con lạy cụ đội”. Lúc đó mà “cụ đội” chỉ nhếch mép trách cứ chi một cái là dân hồn vía lên mây.
Từ thuở khai thiên lập địa đến bây giờ dân mình cứ sợ mãi, sợ triền miên. Và bây giờ cũng còn sợ vậy thôi. Dân đến cơ quan nhà nước thì vẫn cứ quen khúm núm, em em- anh anh, vẻ mặt sợ sệt. Ra đường, dù chẳng sai phạm gì, mà thấy công an giao thông tim vẫn đập loạn xạ. Xem mấy tờ báo trong nước im thin thít, không dám nói một lời nào trong đợt kỷ niệm 30 năm cuộc chiến Việt- Trung (17/2/1979- 17/2/2009) vừa rồi cũng rõ. Tất cả chìm trong sự im lặng của sợ hãi.
Làm sao để đập tan, thoát ra khỏi cái nỗi sợ dai dẳng, triền miên của dân tộc mình đây, để sức mạnh của dân tộc trỗi dậy? Làm sao?
Xin nhắc lại một lần nữa câu của cụ Phan Khôi để kết thúc bài này: “Ta mà còn đê hèn vậy, mong gì ai trọng ta“.
(Nguồn: http://tranhung09.blogspot.com/2010/09/noi-so-hai-cua-dan-toc.html)
[1] (Theo Phan Khôi- Tác phẩm đăng báo 1928, Lại Nguyên Ân)
Leave a Reply