Mình đã thành fan của Tâm Phan khi tình cờ đọc được trích đoạn về đoạn đời bạn sống ở Sài Gòn với người yêu đầu và những biến cố khiến bạn phải bỏ anh ta. Bạn viết thuyết phục đến mức mình đang ngồi xe đi chơi với gia đình, chỉ đọc trên iPhone mà khi đến nơi không muốn xuống xe vì mải miết tìm thông tin về người viết. Mỗi người phụ nữ đều ít nhiều tìm thấy mình trong câu chuyện đó của em, khi hết lòng yêu một người đàn ông trong con mắt XH là người tốt, lúc nào cũng cam kết là yêu chúng ta, nhưng chỉ vì vô tâm và ích kỷ, lại được truyền thống “trọng nam khinh nữ” ủng hộ, mà để mặc người phụ nữ của mình bất hạnh và cô đơn ngay bên cạnh mình. Không phải ai cũng đủ can đảm rời bỏ cuộc sống ấy như em nhưng trong thực tế, trái tim người phụ nữ nào cũng ít nhiều rời bỏ người đàn ông ấy và anh ta đã tự hủy hoại dần hạnh phúc của mình mà không biết.
Từ đó mình bắt đầu theo dõi Facebook của Hồi ký Tâm Phan và tìm đọc cả những bài viết cũ của em. Càng đọc mình càng thấy thuyết phục vì cách viết sống động, táo bạo và đầy thuyết phục của em. Có lẽ có phần mình và em cùng “chất” nên gần như bài nào mình cũng tán đồng. Đặc biệt những bài về sex, về sống thử… những điều em viết chính là những gì mình suy nghĩ nhưng chưa biết cách/chưa dám nói lên thành lời. Hơn nữa, là người học về PR, em biết cách quảng bá cho tác phẩm của mình một cách rất chuyên nghiệp. Chỉ tiếc là khi em về Việt Nam ra mắt sách mình lại bận, không đến được. Năm 2012, khi mình qua Geneva, em lại đang đi Sri Lanka. Năm nay khi có dịp đến Geneva, mình vội liên lạc với em ngay và may quá, đã có được một buổi nói chuyện rất thú vị bên hồ Geneva với em, lại còn được em tặng quyển Sex và những thứ khác. Thú thật là tên sách làm mình hơi ngại, nhưng càng đọc càng thấy hay. Đúng như em nói, quyển này các bà mẹ nên mua cho con đọc, nhất là con gái, tiện hơn tự nói chuyện với con nhiều.
Bên cạnh những bài về sex, về hôn nhân, sống thử… bài mình thích nhất lại là bài Being Assertive. Bản thân mình rất bức xúc vì tính mình bướng từ nhỏ, không cam chịu bất công nhưng rất nhiều khi thất vọng vì mọi người xung quanh không ủng hộ, ngay cả khi mình đấu tranh cho họ, vì cho rằng nên cam chịu là hơn. Mình ghét nhất là câu “Một câu nhịn là chín câu lành” vì theo mình “lành” kiểu đó chỉ làm trì trệ xã hội khi cái Đúng không được bảo vệ chỉ vì sự hèn nhát của con người. Đi dạy mình cũng rất bực mình thấy giới trẻ chia thành hai thái cực, hoặc quá nhút nhát, không biết tự bảo vệ mình; hoặc quá “xấc”, chỉ biết mình mà không biết đến người khác. Chúng quy cũng chỉ vì các em không đươc huấn luyện kỹ năng “Being Assertive” thôi.
“Người Úc luôn khuyến khích thế hệ đi sau phải assertive tìm ra sự thật của 1 vấn đề, bảo vệ sự thật đó cho dù cha mẹ, người lớn tuổi hay người có địa vị cao hơn nói khác đi. Bạn nào ở Úc sẽ thấy các công ty lớn tuyển dụng nhân viên yêu cầu personal skills bên cạnh “kỹ năng đàm phán” là phải being assertive. Nó là điều kiện bắt buộc để trở thành một nhà đàm phán, thương thuyết giỏi.
Ở Việt Nam chúng ta chỉ được học khiêm tốn – thật thà – lễ độ thôi. Mà cái sự lễ độ được đề cao quá mức đến nỗi người hơn tuổi có quyền làm sai, quyền quát nạt người nhỏ tuổi mà người nhỏ tuổi dù đúng vẫn phải cúi đầu vâng dạ. Như vậy cái ranh giới giữa “lễ độ” và “hèn nhát” hỏi còn bao nhiêu???”
Hãy đọc toàn bài ở đây: https://www.facebook.com/
Leave a Reply