Tôi tin 30-4 mãi mãi là một dấu mốc quan trọng với người Việt, dù bạn đang làm gì, ở đâu. Trong đời tôi, 30-4 luôn gắn với những kỷ niệm không thể mờ phai.
Ngày 30-4-1975 tôi mới 13 tuổi, chỉ biết vui mừng vì chiến tranh chấm dứt, gia đình được đoàn tụ trong cuộc sống hòa bình, không bom đạn nữa. 30-4 còn có nghĩa là các anh trong gia đình tôi, thầy giáo tôi, hàng xóm của tôi sẽ không phải ra trận.
Nhưng đến 30-4-1976 thì tôi đã biết chiến tranh chấm dứt không làm cuộc sống dễ dàng hơn mà lại còn đen tối hơn vì không còn gì để chờ đợi.
30-4-1977 tôi mới hiểu cuộc chiến tranh này chấm dứt chỉ để mở màn cho một cuộc chiến tranh khác, có vẻ còn khốc liệt hơn với quân Polpot.
30-4-1978, niềm vui của mùa hè cuối cùng đời học sinh u ám đi vì tin chiến sự phía Nam.
30-4-1979, chưa kịp vui vì chiến tranh phía Nam chấm dứt lại đau lòng vì tin chiến sự phía Bắc không kém phần dã man, tàn bạo. Tin chiến sự lần này còn đau lòng hơn vì súng nổ từ tay những người bao năm tưởng là bạn, là anh em của Việt Nam.
Tất cả chúng tôi đang học tiếng chờ ra nước ngoài đều làm đơn tình nguyện ra trận, không cần ai phải tuyên truyền vì chống Tàu đã nằm trong máu người Việt. Thậm chí có nhiều bạn viết đơn bằng máu.
Cùng với những tin chiến sự liên miên là đời sống ngày càng đi xuống. Trước 30-4-1975, một nửa đất nước phía Bắc còn có cơm độn mì và còn được ăn no, sau 1975 có những ngày tháng cả nước chỉ còn cơm độn bo bo, không sao nuốt được và cũng không đủ no. Thậm chí một tuýp thuốc đánh răng nội hóa cũng trở thành niềm mơ ước vì nhân dân phải đánh răng bằng bột, bằng than tán nhuyễn và muối hột. Nụ cười của các cô gái cũng kém đẹp, kém tươi khi lợi và lưỡi đỏ tấy, đau rát.
Trong sáu năm du học ở nước ngoài, cứ 30-4 là Sứ quán (ĐSQ) tổ chức mít-tinh để tuyên truyền nhắc nhở về truyền thống anh hùng của đất nước. Đang tuổi ăn tuổi chơi, chúng tôi cũng chỉ gật gù, vì dù chưa hoàn toàn bác bỏ những tư tưởng đã tiếp thu từ thơ bé nhưng trong lòng chúng tôi đã bắt đầu hoài nghi.
Ngay trong lòng Đông Âu – thiên đường của CNXH như Việt Nam thường nói – sự thực cũng khác xa với những gì chúng tôi chờ đợi. Còn nhớ có lần ĐSQ họp, chú cán bộ phụ trách Lưu học sinh đứng lên nói chuyện, kể là tình hình ở nhà đang tốt lên, thì một bạn bèn hỏi: “Sao bố cháu bảo ở nhà đói lắm, cơm không đủ no, cửa hàng trống trơn? Chú và bố cháu phải có một người nói dối”. “Chú sứ” đỏ bừng mặt, đang chưa biết nói thế nào thì thằng bé bảo: “Thôi, chắc là bố cháu nói dối đấy!”
30-4-1985, tôi đang ở Sài Gòn, trong năm đầu tiên quay về quê nhà để tìm việc. Sống trong gia đình bác ruột đã vào Nam từ năm 1954, tôi chứng kiến những nỗi đau mất người thân của những gia đình bên thua cuộc, cùng cảnh sống bị bức bách đến ngạt thở của họ.
Bác tôi chỉ là công chức của chế độ cũ nên không phải đi cải tạo nhưng gia đình thậm chí phải đốt cả tủ sách quý mang từ Hà Nội vào ngày xưa vì bị coi là “văn hóa phẩm đồi trụy”. Do nhà có một anh đi Mỹ nên các em không được vào Đại học, bác trai mất việc, cảnh nhà rất khó khăn. Nhưng nhà bác tôi còn may mắn là được sum họp bên nhau, chứ bác họ tôi đã phát điên khi cô con gái đi vượt biên bị cướp biển cưỡng hiếp rồi mang đi mất tích.
Dạo ấy cả Sài Gòn chỉ bàn chuyện đi vượt biên hoặc đi HO. Dân chúng truyền tai nhau câu nói, đồn là của bác Võ Văn Kiệt mà mãi sau này tôi mới biết là của ký giả Ginetta Sagan, đại loại là: “Nếu cái cột đèn có chân thì mà biết đi chắc nó cũng vượt biên”. Những năm ấy, ngày 30-4 đến rồi đi, trong sự thờ ơ vì nỗi lo cơm áo của bên thắng cuộc và sự đau buồn của người thua cuộc.
30-4-1998 tôi đang ở Mỹ, lần đầu tiên tận mắt thấy cờ ba sọc và được biết ngày này trong cộng đồng người Việt hải ngoại được gọi là Ngày Quốc hận hay Ngày Trùng Dương. Nếu ở Việt Nam tôi đã từng buồn vì sự nghi kỵ từ chính họ hàng mình, chỉ vì tôi là người Bắc thì trên đất Mỹ, tôi được chứng kiến sự thù hận của đồng bào mình với cái giọng Bắc của tôi. Tôi ngạc nhiên khi biết vẫn có các tổ chức của quân nhân quân đội Việt Nam Cộng hòa, họ vẫn gọi nhau theo quân hàm và vẫn tổ chức thăng chức cho nhau, thậm chí vẫn có Tổng trưởng, Thủ tướng, mặc dù nhiều người Việt chả biết họ là ai.
Những 30-4 sau, kinh tế Việt Nam khá dần lên nhưng không khí kỷ niệm ngày 30-4 thì vẫn thế, giáo điều và cũ kỹ, xa lạ với cuộc sống. Tôi có dịp qua lại Mỹ, Canada, Đức, Anh… chứng kiến những cảnh đời khác nhau của người Việt, thấy nhiều đồng bào mình vượt qua khó khăn ngày mới nhập cư, vươn lên thành công nơi đất khách, làm mình rất cảm phục và tự hào.
Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng thấy những người Việt không chịu học hỏi hội nhập, tụt hậu với xã hội. Càng thất vọng với cuộc sống hiện tại, họ càng có chiều hướng bám lấy quá khứ, đổ mọi thất bại hiện tại của họ cho cuộc chiến 1975 và càng cay cú. Như những Chí Phèo hiện đại, họ khủng bố người từ trong nước qua công tác và cả cộng đồng hải ngoại bằng những hành vi rất thấp kém.
Lần qua Canada, tôi thấy một nhóm Việt kiều mang cờ vàng biểu tình la ó một chị Việt kiều khác, chỉ vì họ cho là chị hợp tác với Việt cộng. Vì lòng thông cảm với những người tha hương, tôi đứng lại định hỏi han. Thấy vậy mấy người quây lại bên tôi, tôi tưởng họ muốn nói chuyện thì chị bạn đi cùng vội quay lại kéo giật đi. Hóa ra họ gài để chụp ảnh tôi dưới cờ ba sọc, nhằm bôi nhọ tôi với sứ quán, buộc tôi phải theo họ.
Nghe nói với mánh ấy, cộng thêm sự hẹp hòi và thiển cận của các cơ quan quản lý trong nước, họ đã làm một số nghệ sĩ như Thu Phương, Bằng Kiều rất khốn đốn một thời gian…
Đó là ngoài đời, còn trên mạng xã hội thì hàng năm, cứ đến 30-4 là lại tràn ngập cờ đỏ và cờ vàng, Facebook trở thành chiến trường mâu thuẫn giữa hai phe trong dịp kỷ niệm. Thù hận qua những note, status, comment… trên mạng còn choáng váng, ngột ngạt hơn cả ngoài đời vì nó có quy mô rộng lớn và sâu sắc hơn nhiều. Những nỗ lực hòa giải của một vài nhóm người đem lại vài điểm sáng nhưng không đủ xóa nhòa sự đen tối của thù hận.
Điều đáng buồn nhất là sự thù hận lại nhắm đến những người không có lỗi gì ngoài việc đã sinh ra dưới một chế độ khác với nửa bên kia. Vì vậy, tôi và nhiều người miền Bắc khác buồn rầu nhận ra rằng, dù chúng tôi rất đau lòng trước cách hành xử của chính quyền với người dân “bên thua cuộc” nhưng nếu bên kia thắng cuộc, số phận chúng tôi liệu có khá hơn?
Người Việt nhìn chung chỉ biết đòi hỏi tự do – bình đẳng – bác ái – dân chủ cho bản thân họ chứ từ chối áp dụng những đạo lý ấy cho người khác. Chỉ còn biết ngâm lại câu thơ của Tản Đà:
Dân bao nhiêu triệu ai người lớn
Nước mấy ngàn năm vẫn trẻ con!
Đã gần 40 năm kể từ 30-4-1975. Facebook năm nay lại đầy những hồi tưởng đau đớn và thù hận của cả hai phía. Nhưng tôi và nhiều người đã quá mệt mỏi về sự ăn mày dĩ vãng ấy. Sao không nghĩ, quá khứ không thể thay đổi nhưng chúng ta có thể nhìn quá khứ rộng lòng hơn? Người chết thì đã chết rồi, hãy để họ an nghỉ.
Với các bạn “bên thua cuộc”, tôi muốn nói: dù trong quá khứ chính quyền có làm các bạn đau khổ đến đâu đi nữa, thì cách chiến thắng tốt nhất là chứng tỏ cho họ thấy, bất chấp những nỗ lực của họ, các bạn đã vượt lên, thành đạt, sung sướng ở những xứ sở văn minh mà họ có ước cũng không có được.
Nói cho cùng nếu không có sự biến 1975, thì các bạn đâu có cơ hội được những đất nước ấy chấp nhận ồ ạt ở diện “thuyền nhân”? Con cái bạn đâu có được cuộc sống như ngày nay? Nếu tiếp tục thù hận thì tức là chỉ có thân thể bạn thoát đi, còn tư tưởng bạn mãi bị cầm tù trong quá khứ, với những người mà bạn căm ghét.
Còn với “bên thắng cuộc”, tôi nghĩ chúng ta nên rộng lòng cư xử văn minh với phía bên kia, đừng đòi hỏi họ phải có cùng suy nghĩ, cảm xúc như mình. Hãy nhớ, tất cả chúng ta đều là người Việt, cùng yêu đất nước này, dù yêu theo những cách khác nhau. Lòng yêu nước không phải độc quyền của ai cả. Đất nước còn quá nhiều cảnh đời khó khăn, là phụ nữ, tôi chỉ mong chúng ta gắng sức giúp được ai cái gì thì giúp, giúp người cũng chính là giúp mình. Quan điểm, chính kiến rất quan trọng, nhưng không nên là rào cản khiến người Việt không đến được với nhau!
Chung tay giúp người Việt Nam sẽ làm chúng ta bỏ qua được những hơn thua, hệ lụy trong quá khứ, xích lại gần nhau. Đất nước mình hết nắng rồi sẽ mưa, hết mưa rồi sẽ nắng. Trong mỗi chúng ta đều có một hình ảnh Việt Nam. Dù là Hà Nội hay Sài Gòn thì đâu cũng bụi, nóng, ồn ã, đâu cũng đầy cây xanh và chim líu lo. Trên những chuyến bay đi về, nhìn từ máy bay xuống những đám cây xanh, những đoạn sông uốn khúc, những nhà hộp lô xô mà bồi hồi, mà muốn thốt lên: Thương quá Việt Nam!
Mong sau, những 30-4 năm sau trên mạng, ngoài đời ngày càng nhiều người Việt thân thiện và chân thành với nhau, chung tay làm việc vì cộng đồng, vì đất nước. Mong tất cả chúng ta trong tim đều có một câu: TÔI LÀ NGƯỜI VIỆT NAM!
(*) Bài viết có sử dụng một số ý trong comment của Lâm Mỹ Dung. Rất cám ơn bạn!
Leave a Reply