NHỚ BÀ NỘI

0 No tags Permalink

 

(Nửa đêm ngồi nghĩ lẩm cẩm, đích thực là già rồi)

Thời tiết thay đổi, da mỏng nên dễ bị kích ứng, thỉnh thoảng lại như nổi mẩn ngứa, cũng khó chịu nhưng may mà dùng dầu tắm LACTACYD là ổn thoả ngay (mách nhỏ là dầu này dùng chữa rôm, mẩn ngứa cho em bé cũng tốt lắm vì nó là dược mỹ phẩm, rất lành). Kem dưỡng ẩm cũng giúp da tránh bị khô nẻ, cũng may mà thời buổi này có nhiều đồ chăm sóc da rất tốt.

Nhớ lại khi mình còn nhỏ, bà nội mình khi ấy đã gần 70 thường bị mẩn ngứa khắp người, rất khổ sở. Bà mình vốn là con quan tri phủ, đẹp nổi tiếng một vùng, lại hiền hậu, nết na. Nhưng vì bà là con vợ ba nên hôn nhân không được cụ ngoại chú trọng lắm. Nghe đâu ngay từ hồi còn nhỏ, cụ đã hứa gả bà cho ông nội mình, chỉ là một trung nông. Vừa 16 tuổi bà đã về nhà chồng, bước từ thân phận tiểu thư xuống làm vợ trong một gia đình làm nông, dù không nghèo nhưng khá vất vả. Bà kể khi mới về nhà chồng, có lần đi vớt bèo nuôi lợn ngoài ao, bà chưa quen nên sa chân xuống ao, có người đi qua nhìn thấy vớt lên thì đã xỉu rồi, may mà cứu kịp. Mẹ bà xót con, xin quan tri phủ nói với nhà chồng, bà mới bớt vất vả. Trẻ, đẹp, con nhà gia thế lại hiền hậu, nết na nhưng bà chưa bao giờ được hưởng hạnh phúc vợ chồng dù ông nội mình cũng là người trung hậu, tử tế vì ở nhà chồng và văn hoá làng quê không cho chồng chiều chuộng vợ. Do điều kiện vệ sinh, y tế thời đó quá kém, bà mình sinh liên tiếp 7-8 người con nhưng chỉ nuôi được 3 bác gái, các con trai đều mất sớm. Bà mình kể là con ốm mà chỉ toàn cúng bái, thầy địa lý bảo nhà có ma, cần nướng 1 con cá chuối treo ở đầu giường, không được mở cửa kẻo gió độc, sẽ hại cho đứa trẻ. Chỉ hai mẹ con ru rú trong căn buồng nồng nặc mùi cá thối, không ai dám vào, bà vẫn cố chịu mà cuối cùng vẫn không giữ được con. 2-3 lần như thế, ông nội mình liền lấy vợ hai, bà vẫn cam chịu, cho là vì số mình vất vả, không nuôi được con trai nên chồng phải tìm người khác. Khi người vợ lẽ cũng mất khi sinh con, bà vẫn bảo: “Giá cô ấy để lại được đứa trẻ cho mình nuôi, nhưng hai mẹ con lại mất cả, khổ thân quá”. May trời phù hộ, sau này bà sinh và nuôi được 2 người con trai là bác mình và bố mình nên gia đình cũng yên. Nghe bà kể chuyện, mình không thể tin đến đầu thế kỷ 21 ở một làng quê cách Hồ Hoàn Kiếm chưa đến 10km mà nếp sống, phong tục còn lạc hậu đến vậy. Ngay trong cùng làng nhưng nhờ ông ngoại mình được đi học và làm cho người Pháp nên gia đình bên ngoại mình nuôi con và sinh sống khá hơn nhiều. Dù sao cũng phải công nhận người Pháp đã đem lại ánh sáng văn minh cho làng quê Việt, cải tạo điều kiện sống và góp phần giải phóng phụ nữ như ta thấy qua văn chương thời 30-45.

Ông bà nội mình cũng rất tốt bụng, anh em trong gia đình ai nghèo khó vẫn nuôi con họ, năm đói còn cưu mang cảcon cái người làm nhưng đến Cải cách Ruộng đất cũng không tránh được hoạ đấu tố. Bố mình kể năm 54, bố mình đang học năm cuối phổ thông trường Albert Sarrault, chuẩn bị qua Pháp học đại học Y thì người Pháp rút về. Lúc đầu tất cả đều rất mừng vì đất nước được độc lập nhưng rồi tin tức về cải các ruộng đất ở những vùng khác vọng về HN, làm mọi người lo lắng. Ông nội rất cẩn thận, tự đi vào Thanh Hoá rồi về bảo bố tôi: “Trước sau thầy cũng bị quy địa chủ, chắc khó sống yên, tài sản chưa chắc còn gì. Nếu con học Y thì phải đóng học phí và tự lo ăn ở, thầy sợ không lo được (quê tôi gọi cha là “thầy”), con nên đi học sư phạm để có học bổng. Sau này thầy có bề gì con cũng tự lo được”. Thế là bố mình từ bỏ ước mơ thành bác sĩ chuyển qua học sư phạm. Nghĩ lại mình rất thương ông bà, biết tai hoạ sắp đến mà không làm thế nào tránh được. Quả nhiên đến năm 1955 CCRĐ lan đến HN, ông bà đang từ người được kính trọng trong làng xuống thân phận bần cùng, bị đuổi khỏi nhà, bị đánh đập, vu cáo, chửi rủa bởi những người do chính mình cưu mang. Những ngày đen tối ấy, con cháu ở HN thậm chí không dám về thăm bố mẹ, sợ bị chết oan như nhiều trường hợp đã xảy ra, luân thường đạo lý đảo lộn cả. Nửa năm sau được sửa sai, ông bà được trả lại một phần tài sản, không bị quy là địa chủ nữa nhưng ông tôi uất quá, từ người rất khoẻ mạnh nhanh chóng mang bệnh mà qua đời, thành ra tôi không biết mặt ông. Như bố tôi kể, ông là trụ cột gia đình nên ông qua đời khi hai con trai chưa lập gia đình, làm đời sống sau này cũng vất vả nhiều hơn. Bà tôi im lặng sống với gia đình bác trai tôi, chấp nhận người con dâu vốn là con sen trong nhà mà không điều tiếng gì. Bà là hình mẫu phụ nữ truyền thống, “phu tử tòng tử”, lúc sống thờ chồng, chồng chết tận tuỵ chăm con chăm cháu.

Tôi không ở cùng bà nên hàng năm bà chỉ đến ở chơi vài tuần. Bà hiền lắm, chẳng mắng mỏ chúng tôi bao giờ. Có lần bà trách tôi làm gì sai đấy, tôi cho là mình oan nên tối về khóc, mách với mẹ. Bà không mắng tôi mà chỉ bảo: “Cháu làm thế này sau này bà chẳng dám bảo gì cháu nữa”. Khi ấy tôi còn nhỏ, chỉ biết không bị mắng là mừng, chả ngẫm nghĩ gì, sau này mới thấy mình quá đáng. Bà hay nhờ tôi xâu kim, nhổ tóc sâu, bóc vỏ cau cho bà ăn trầu… rồi thủ thỉ kể chuyện cho tôi nghe. Nhờ bà tôi được biết bao chuyện về gia đình, về ông bà, các bác mà bố mẹ tôi có khi cũng không biết mà kể, từ cầu ao nhà mình có con ma trơi, góc bếp có ma xó nhưng cách mạng về ma đi hết (chắc do cấm mê tín dị đoan); chuyện ông tôi cưới vợ lẽ, bác tôi lấy chồng thế nào đến chuyện CCRĐ ông bà khổ sở ra sao “Nó đói đến xin mình cho ở để có cái ăn rồi sau này nó lại bảo mình bóc lột nó”… Tôi trẻ con, chẳng biết gì, chỉ tròn xoe mắt nghe, tối về thỉnh thoảng hỏi lại thì bố mẹ suỵt, bảo con đừng nói với ai. Trẻ con ham chơi nên nhiều khi bà gọi tôi cũng giả vờ không nghe, không chịu về, bỏ mặc bà loay hoay xâu kim một mình. Tôi sợ nhất là bị bà nhờ gãi lưng vì da bà mẩn ngứa lâu ngày, xù xì và vì tôi ngại chạm vào người người khác nên thỉnh thoảng mới chịu làm và được một chút là bỏ đi. Thế là bà đành lấy cái sống quạt nan cọ vào lưng cho đỡ ngứa, xước hết cả lưng. Bố mẹ tôi đưa bà đi khám, đi tắm biển (cả đời bà chưa ra biển nên cứ mặc nguyên quần áo lội xuống biển, ướt người là lên) mà vẫn không khỏi. Dù lớn tuổi, bà tôi vẫn đẹp với gương mặt nhăn nheo nhưng hồng hào, đôi mắt hiền từ, mái tóc trắng phau vấn gọn trên đầu, chỉ có bệnh ngứa không khỏi được. Nếu là bây giờ, tôi sẽ có bao nhiêu cách giúp bà hết ngứa nhưng lúc ấy tôi chẳng biết làm thế nào.

Bây giờ nhìn đám dược mỹ phẩm trước mặt, lại thương bà ngày xưa, một đời vất vả vì gia đình, chẳng được hưởng tiện nghi gì và đến lúc qua đời cũng chưa bao giờ được một lần sống theo ý mình. Ông mất sớm, bà một mình gồng gánh gia đình qua thời hỗn loạn, con cháu mấy khi chia sẻ được.

BÀ ƠI, BÀ AN NGHỈ NHÉ! CHÚNG CHÁU SẼ CỐ GẮNG ĐỂ SỐNG TỐT VÀ LÀM RẠNG DANH GIA ĐÌNH MÌNH ĐỂ ÔNG BÀ ĐƯỢC AN LÒNG!

Cháu mong con cháu sau này sẽ được hưởng phúc từ ông bà mà tránh được những cảnh khổ ông bà phải chịu.

 

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *