Học giỏi và Người giỏi

0 No tags Permalink

 

Từ nhỏ, tôi đã là luôn là học sinh giỏi, không chỉ học giỏi ở lớp mà còn là học sinh giỏi môn được coi trọng nhất thời ấy là môn Toán, thậm chí còn 1 vài lần được cắp cặp đi thi miền Bắc (khi chưa thống nhất) và thi quốc gia nữa. Tôi cũng học khá đều các môn, thậm chí còn yêu thích các môn mà bây giờ với học sinh là ác mộng như văn, sử… Còn nhớ hồi áy giáo viên thường chọn học sinh vào đội tuyển theo điểm tổng kết môn học, tôi từng cùng một lúc có tên ở hai đội tuyển Văn và Toán. Nhưng tôi đã chọn Toán vì yêu thích môn này hơn. Cuộc sống của học sinh trường chuyên quả là không dễ dàng vì là những cuộc đua triền miên trong các kỳ thi, mỗi năm có ba kỳ: thi cấp trường, cấp quận  và cấp thành phố. Nếu là năm cuối cấp thì sẽ thêm kỳ thi quốc gia. Ngoài ra chúng tôi vẫn phải học đủ các môn khác chứ không được ưu đãi gì, trừ việc được nghỉ mỗi kỳ thi đội tuyển. Tuy nhiên chúng tôi là tâm điểm sự chú ý của nhà trường và là tâm điểm sự kỳ thị của bạn bè. Mỗi lần thi chọn thành viên đội tuyển, bạn bè nhìn nhau dè chừng vì sẽ thành đối thủ cạnh tranh. Qua mỗi vòng thi, những người rơi rụng lại tủi thân lẳng lặng biến mất, những kẻ còn lại thì nơm nớp chờ vòng loại mới. Những kẻ còn lại ở vòng cuối cùng vẫn không được hưởng niềm vui trọn vẹn mà bị đẩy vào cuộc đua căng thẳng hơn để tranh giải Nhất – Nhì – Ba. Nếu bạn may mắn đoạt giải Nhất lần này tức là đã rơi vào một nỗi khốn khổ bất tận vì tất cả gia đình, nhà trường đều mong mỏi bạn sẽ giữ vị trí đó mãi mãi và dù hàng ngàn học sinh đều ngưỡng vọng giải Nhì của bạn thì đối với bạn nó vẫn chỉ là một thất bại mang tên Không – Phải – Là – Giải – Nhất. Chính vì vậy, trở thành thành viên đội tuyển bạn sẽ làm bố mẹ nở mày nở mặt, thầy cô chăm sóc nhưng bạn học với bạn không còn là bạn bè mà trở thành đối thủ cạnh tranh tiềm tàng, lớp học không phải là nơi tiếp thu kiến thức, chia sẻ với bạn bè cùng lứa mà là đấu trường cạnh tranh. Hậu quả là bạn hoàn toàn không còn tuổi thơ, không có những buổi đánh khăng, đánh đáo hay chơi ô ăn quan cùng nhau, không thì thầm những chuyện trẻ con để chia sẻ nỗi hoang mang của tuổi mới lớn vì thời gian quá bận rộn. Hiếm có bố mẹ hay thầy cô nào nghĩ chúng tôi chỉ là những đứa trẻ, cần được quan tâm nhiều về những khía cạnh khác hơn là học. Trong mắt người lớn, chỉ cần chúng tôi học tốt, thi có giải càng cao càng tốt, cao hơn trường khác càng hay thì mọi chuyên đều ổn.

Tuy nhiên, trong suốt thời gian ấy mặc dù rất tự hào về bản thân nhưng chúng tôi luôn cảm thấy chơi vơi. Chúng tôi đều biết mình khác các bạn khác trong trường vì khi giao tiếp trong những thời gian hiếm hoi giữa các đợt thi, chúng tôi thấy mình hoàn toàn khác họ. Họ quan tâm đến những vấn đề khác như thời trang, tán gẫu, để ý đến hình thức hay bạn khác giới… mà hoàn toàn xa lạ với chúng tôi. Khác với hầu hết các bạn trong đội tuyển, tôi là con trưởng nên còn phải lo chăm sóc các em, cơm nước giúp bố mẹ. Khi ấy tôi cảm thấy mình rất thiệt thòi nhưng sau này khi ra đời tôi mới biết mình rất may mắn là có thể tự lo cho bản thân. Tuy vậy, tôi vẫn thấy mình hoàn toàn xa lạ với cuộc sống của những bạn học lớp thường vì tôi chỉ biết đi học và về lo việc nhà. Tôi không biết mặc cả khi đi chợ, ra đường rất dễ bị trêu chọc, lừa đảo mà không biết cách đối phó thế nào, không biết nói xấu người khác và dễ dàng tin tất cả những gì mọi người nói với tôi. Chúng tôi chơi vơi giữa tự tin và tự ti, cảm nghĩ của xã hội về chúng tôi cũng lẫn lộn giữa khâm phục và coi thường.

Nhưng điều tệ nhất là chúng tôi hoàn toàn thiếu kỹ năng sống, không thể hoà hợp với những bạn cùng lứa tuổi, cứng nhắc trong việc giải quyết vấn đề, hoàn toàn xa lạ với những niềm vui của người cùng lứa, Con trai cũng ít tham gia thể thao, con gái hiếm ai để ý đến thời trang, làm đỏm, có mơ mộng cũng ít dám chia sẻ với ai vì bị chê là vô bổ mất thì giờ.

 

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *