Một trong những bức xúc lớn nhất của tôi khi làm nghề dạy học, một nghề được coi là phải tiếp xúc với tri thức hàng ngày, đó là chứng kiến cảnh không chỉ sinh viên mà cả đồng nghiệp hoàn toàn chán ghét việc đọc. Tôi thường hỏi lớp mình dạy (khoảng 80-120 sinh viên) xem có bạn nào từng đọc một cuốn sách không phải truyện tranh trong vòng 1 tháng vừa qua. Thông thường chỉ 2-10 sinh viên nói Có, nhưng 50% trong số đó lại đọc các cuốn sách dạy làm giàu. Rất ít em đọc tiểu thuyết và trong hàng ngàn sinh viên tôi dạy 5 năm vừa qua, có đúng 2 em thể hiện là có hiểu biết và yêu thích thơ ca. Trong các buổi dã ngoại, phần đông các đồng nghiệp đều tỏ ra hết sức kinh ngạc khi tôi mở sách ra đọc. Khi tôi còn trẻ thì thường bị look down vì “sở thích vớ vẩn, trẻ con” của mình, mất thì giờ vào chuyện đâu đâu trong khi thời gian ấy là phụ nữ thì có thể chăm sóc con cái, nhà cửa, là giáo viên thì nên đọc sách chuyên môn (nhưng chả thấy ai đọc cả). Khi lớn tuổi hơn và chứng minh được là “sở thích vớ vẩn” ấy không hề ảnh hưởng đến công việc của mình, đến lượt các đồng nghiệp trẻ tò mò, khâm phục khi thấy tôi đọc sách bất kỳ khi nào có thể. Các em ấy thở dài: “Nhìn cô thích thật đấy nhưng từ khi tốt nghiệp ĐH đến giờ, em chả đọc cuốn nào. Ngại lắm/Bận lắm…” Thậm chí có em còn nói thẳng tuột: “Đừng bắt em đọc sách, em không chịu được đâu”. Vì vậy không có gi đáng ngạc nhiên khi chúng ta kém sáng tạo, hẹp hòi, chỉ biết rập khuôn và không thể tiến xa được cả trên phương diện cá nhân và dân tộc. Trong đời sống cá nhân, lười đọc sách làm cuộc đời các bạn nghèo nàn, buồn chán và nhanh già, dễ hiềm khích với người khác. Chỉ quan sát cách tranh luận trên FB cũng thấy việc lười đọc tác hại lớn đến thế nào. Trong khi cách đọc đúng là hiểu được tinh thần của tác giả thì quá nhiều người chỉ chăm chăm chẻ sợi tóc làm tư, cố gắng bắt bẻ từng từ ngữ, làm thui chột ý tưởng tốt đẹp của người viết. Không thể nói đến việc học mà không bàn đến việc đọc sách vì chính sách vở là nguồn tri thức sống còn cho việc học. Vì vậy, phần tiếp theo trong loạt bài “Học thế nào” sẽ bàn về việc đọc, trước hết là đọc cái gì. Trong thời buổi kỹ thuật số, nói đọc sách có nghĩa là đọc sách, báo giấy hay sách, bài báo online đều được miễn là có chất lượng.
Đọc cái gì?
- Lúc khởi đầu, hãy đọc cái gì bạn thích. Đừng đọc những gì bạn bị bắt phải đọc
Làm gì cũng vậy và đọc không phải là ngoại lệ, chúng ta làm tốt hơn nếu ham thích công việc đang làm. Đừng lo nếu ở lớp ngoại ngữ thầy cô giáo bắt bạn phải đọc một tài liệu do họ chọn, hãy cố tự chọn cho mình những tài liệu mà mình có quan tâm. Hãy đọc bầt kỳ cái gì bạn thích. Đừng ngại ngần nếu cái bạn đọc không có liên quan gì đến cái bạn học. Kiến thức có những cách kết hợp kỳ lạ ngoài tầm kiểm soát hay mong muốn của bạn.
- Chọn đúng sách nên đọc
(Khi mới đọc sách nên chọn sách dễ đọc, như kiểu sách rút gọn để mình khỏi chán nản. Nhưng khi đã đọc tốt hơn nên đọc sách nguyên bản. Thời giờ chúng ta có ít, nên chọn sách xứng đáng để đọc. Không nhất thiết đọc sách kinh điển, có thể đọc sách giải trí nhưng cũng nên chọn loại sách có giá trị. Một nguồn tham khảo là những website bán sách như Amazon, những sách có rate cao nhiều khả năng là sách đáng để quan tâm).
- Một quyển sách tiếng Anh hay đọc trong một tuần có giá trị hơn sáu tháng học ngoại ngữ trên lớp.
Khó tin nhưng là việc có thật. Một quyển sách hay vài trăm trang về bất kỳ vấn đề gì bạn thích là một bài học tổng hợp tốt nhất bạn có thể có. Sách sẽ dạy cho bạn cách hành văn, ngữ pháp, từ vựng, văn hóa, lịch sử, xã hội, đạo đức, triết học, tình yêu, vv. Xin thử cho tôi một ví dụ về sáu tháng học tiếng Anh trên lớp có thể mang lại cho bạn bằng đấy kiến thức.Xin nhớ đừng quên ghi chép và đừng quên biến việc đọc thành một quá trình. Việc đọc sách nhiều trong thời gian đầu học tiếng Anh sẽ giúp bạn có thể thi TOEFL được điểm cao về ngữ pháp, từ vựng và đọc hiểu mà không cần phải học. Hãy đọc nhiều truyện hay, lãng mạn hay công an bắt gián điệp đều được cả miễn là bạn thấy thích. Ngày xưa tôi cứ đọc vài quyển sách là thấy tiếng Anh của mình đã lên cao hẳn lên một bậc. (Bạn bè, bố mẹ thường chê trách việc tôi không đọc sách chuyên môn mà lại đọc tiểu thuyết tiếng Anh. Họ đâu biết chính nhờ vậy vốn từ của tôi tăng lên đáng kể và kỹ năng viết cũng khá hơn).
Ở đây có hai điểm tôi muốn nói. Thứ nhất là khái niệm subliminal learning. Khái niệm này nói về việc học không có chủ ý. Đọc tiểu thuyết bằng ngoại ngữ là ví dụ như vậy, bạn học mà không biết là mình đang học. Khi tôi khuyên mọi người nên đọc bất kỳ cái gì, thông thường tôi thấy mọi người có vẻ đều nghi ngờ hoặc nếu có đồng tình thì chỉ để đó chứ không thực hiện. Về kỹ thuật mà nói, bất kỳ cái gì bạn đã nhìn thấy bạn đều nhớ. Việc bạn có biết là mình đã nhớ những gì hay có gọi lại những thứ bạn đã nhớ hay không lại là những việc khác. Học tiếng Anh bằng công thức trên lớp chỉ là một cách, thông thường hiệu quả kém nếu bạn không thích người dậy, thời tiết nóng bức, tài liệu học, người ngồi bên cạnh, vv. Đọc sách giúp bạn học thếm nhiều điều bạn cố ý học và song song là thu thập mọi thứ bạn nhìn thấy trong sách rồi lưu trữ lại trong đầu bạn khi nào ý thức yêu cầu bạn có ý kiến về một vấn đề có thể bạn hoàn toàn không biết nhưng đã trót nhìn thấy ở đâu đó trong một quyển sách bạn đã đọc, bạn sẽ thấy ngạc nhiên về hiệu quả truy cập thông tin trong tiềm thức. Bạn sẽ có ý kiến của mình mà đôi lúc không hiểu từ đâu ra.
Đây là một cách cực kỳ hiệu quả để học ngữ pháp tiếng Anh nếu ngữ pháp là thứ bạn sợ. Hãy đọc nhiều và bạn sẽ tự nhiên biết được ngữ pháp thế nào là đúng. Hãy đọc thật nhiều và bạn sẽ biết được ngữ pháp thế nào là sai. Bạn sẽ phát triển được con mắt thứ ba về các quy tắc ngữ pháp và hành văn tiếng Anh gần như chính xác tuyệt đối mà không bị mất nhiều công sức.
Điều thứ hai tôi muốn nói là về từ vựng. Ở đây tôi xin ghi lại nguyên văn 5 quy tắc học từ của tác giả Norman Lewis, một chuyên gia về huấn luyện từ vựng tiếng Anh cho người Mỹ. Xin gợi ý lại cho các bạn đang học thi GRE hay GMAT là người bản ngữ cũng thấy khó học từ hệt như bạn.
- Phải cởi mở với từ mới một cách chủ động
Từ mới sẽ không đuổi theo để bạn nhớ, hãy đi tìm chúng. (Không nên tìm cách học thuộc từ mà nên đọc từ đó trong cả câu để suy ra nghĩa rồi mới tra từ điển. Như vậy ta sẽ nhớ từ được lâu hơn và cũng biết cách dùng hơn).
- Hãy đọc thật nhiều
Cố đọc một quyển sách và vài tạp chí mỗi tuần, không chỉ tuần này và tuần sau mà suốt cả đời. (Đọc sách giúp bạn giữ trí óc minh mẫn, cởi mở với điều mới, không bị xa rời với sự vận động của thế giới).
- Hãy thêm từ mới đọc được vào vốn từ vựng của mình
Lần đầu nhìn thấy từ mới, hãy dừng một chút để suy nghĩ đến ý nghĩa của từ trong văn cảnh cũng như “chiêm ngưỡng dung nhan của nó”. Bạn chưa chắc đã nhớ ngay nhưng sẽ nhận ra nó lần sau, vài lần như thế thì bạn không chỉ nhớ mà còn biết các nghĩa khác nhau của từ nữa
- Phải để tư tưởng cởi mở với các ý tưởng mới
(Khi đọc bất kỳ cái gì, hãy cố gắng lĩnh hội tư tưởng của tác giả. Đừng chê bỏ nó trước khi lĩnh hội đầy đủ. Cô bạn tôi nhất định đòi mượn cuốn Chiếc xe đạp màu xanh, sau đó vài ngày trả lại nguyên vẹn vì bảo là: “Đọc vài trang thấy giống Cuốn theo chiều gió quá, chán chả thèm đọc”. Nếu ban ấy chịu khó đọc qua vài chục trang đầu sẽ thấy cuốn sách ấy rất hay và hoàn toàn khác với Cuốn theo chiều gió. Sách cũng như người, đừng để vài ác cảm bên ngoài làm ảnh hưởng đến cơ hội kết bạn của chúng ta).
- Phải đặt mục tiêu cụ thể
Nếu không có mục tiêu thì trong vòng một năm tới may lắm bạn học được thêm vài chục từ mới. Nếu có mục tiêu bạn có thể học được vài chục từ mới trong vòng một tuần hay vài ngàn từ trong cả năm. Đừng sợ học hết từ, tiếng Anh hiện đại có ít nhất 500.000 từ và mỗi ngày đều có thêm những từ mới.
Hãy khời đầu việc học đọc của bạn bằng cách đọc hết bài viết vỏn vẹn 1700 từ này nhé. Phần dẫn nhập và những phần trong ngoặc đơn là của tôi thêm vào, còn lại là của bạn Phạm Anh Tuấn.
Leave a Reply