Ngày đầu năm, trên đương đi ăn cưới, tình cờ đọc được một bài viết về một cuốn sách của một cô y tá người Úc, cho thấy thêm nhiều bài học về lẽ sống ở đời. Nghe nói bài viết được truyền đi trên Internet và được nhiều người bấm “like”. Thậm chí có một trang blog chỉ in lại bài này thôi mà cũng được tới 52,000 người bấm nút “like”.
Bài viết mang tựa đề “5 nỗi hối hận của người sắp qua đời,” cho thấy những điều người ta tiếc nuối khi biết mình sắp chết. Tác giả bài viết là Bronnie Ware, một nhạc sĩ sáng tác, từng là y tá chuyên điều trị người sắp chết. Ðây là những bệnh nhân biết mình không qua được, không muốn chữa trị nữa mà về nhà chờ ngày ra đi vĩnh viễn. Trong những ngày đó, cô Ware có nhiệm vụ tới chăm sóc họ, cho họ uống thuốc, và họ trò chuyện với cô.
Cô nói: “Họ trưởng thành rất nhiều khi họ phải đối mặt với cái chết của mình”. Khi cô hỏi họ có gì tiếc nuối không, một số câu trả lời cứ trở lại mãi. Dưới đây là 5 câu thường nghe nhất. Cô Ware hiện đã viết thêm thành một quyển sách mang tên “THE TOP FIVE REGRETS OF THE DYING,” nhà xuất bản Balboa Press, có bán trên Amazon.com.
ĐẾN CUỐI ĐỜI CÓ GÌ PHẢI TIẾC
1. “Tôi ước gì tôi có đủ can đảm để sống cho mình, thay vì sống theo ước muốn của người khác”
Ðây là điều tiếc nuối lớn nhất, cô Ware nói. Khi sắp qua đời, nhìn lại, người ta mới thấy mình có những điều ước chưa bao giờ thực hiện. Hầu hết mọi người còn chưa thực hiện được một nửa điều mình muốn và phải nhắm mắt ra đi biết rằng đó là do chọn lựa của mình. Cô Ware nói: “Ðiều quan trọng là thỉnh thoảng phải thực hiện vài điều mình ước mơ. Ðến lúc mình bệnh thì trễ mất rồi. Sức khỏe là điều kiện để thực hiện nhiều thứ, mất rồi thì quá trễ”.
2. “Tôi ước gì tôi đừng đi làm nhiều quá như vậy”
Cô Ware nói gần như bệnh nhân phái nam nào cũng nói vậy. Các ông ấy do quá quan tâm việc làm, đã lỡ mất thời em bé hay thiếu niên của các con, lỡ mất tình bạn với người bạn đường. Phụ nữ cũng nuối tiếc như vậy nhưng ở thế hệ các bệnh nhân của cô Ware, số phụ nữ đi làm thường không nhiều. Còn đàn ông, thì “tất cả nuối tiếc là đã phí đi quá nhiều phần của cuộc đời cho cuộc chạy đường trường vì sự nghiệp”.
3. “Tôi ước gì tôi có can đảm bày tỏ cảm xúc”.
Nhiều người cố nén cảm xúc để không bị đụng chạm. Kết quả là cuộc đời của họ bị đè nén. Có người còn vì thế mà bị bệnh.
4. “Tôi ước gì tôi giữ liên lạc được với bạn bè”
Nhiều người không thực sự biết giá trị của tình bạn cũ cho tới những tuần cuối đời và nhiều khi không còn kịp tìm lại bạn cũ nữa. Ðời sống bận bịu, ai cũng có lúc bỏ bê bè bạn. Nhưng khi người ta biết mình sắp chết, người ta trước tiên hết lo sắp xếp vấn đề tài sản đâu ra đấy, nhưng nhiều khi họ muốn sắp xếp để giúp đỡ những người họ quan tâm. Rồi họ lại quá yếu, quá mệt, không làm được việc này. Ðến cuối đời, cái còn lại chỉ là bạn bè và người thân là quan trọng.
5. “Tôi ước gì tôi cho phép mình được hạnh phúc hơn”
Ðiều đáng ngạc nhiên là rất nhiều người nói lên điều này. Nhiều người phải đến lúc gần ra đi mới thấy là hạnh phúc là một chọn lựa. Nhiều người cứ sống và làm theo thói quen, để quên đi mất mình có quyền thay đổi hết để tìm đến hạnh phúc. Ðến lúc nằm trên giường bệnh, nhiều người lúc đó mới thấy chuyện người khác nghĩ gì, chê bai gì, là chuyện không quan trọng gì hết. Họ chỉ muốn được vui, được cười, được hạnh phúc.
(Theo Vũ Quí Hạo Nhiên)
Ngày đầu năm, mong mọi người rút được vài bài học hữu ích cho mình từ bài viết này!
Sau đây là bản tổng kết nhanh của “khổ chủ”:
1. I wish I’d had the courage to live a life true to myself, not the life others expected of me: Câu này giống câu của Steve Job và xét lại, mình đã mất nhiều thời giờ để hiểu ra điều này. Khi còn nhỏ, tôi chỉ được dạy phải là con ngoan, trò giỏi, tức là phải làm hài lòng bố mẹ, thầy cô và những ai ai khác nữa nên cho đến khi vào Đại học, tôi chưa bao giờ thấy hạnh phúc, dù bảng thành tích khá hoành tráng. Chỉ đến khi thành sinh viên ĐH, được tự do sống theo ý mình, dù lúc đầu mắc rất nhiều sai lầm ngớ ngẩn nhưng tôi mới cảm thấy hạnh phúc. Vì vậy, mong bố mẹ, chồng con hiểu cho nếu có khi nào thấy khổ chủ “cứng đầu” quá chứ khổ chủ k thể chịu hy sinh sự tự chủ khó khăn lắm mới tìm được của mình. Vả lại, mình luôn quan tâm đến lợi ích của tất cả mọi người, chỉ có điều không thể hy sinh đời sống của mình theo ý người khác thôi. Nhưng sống ở VN, nghĩa vụ quá nhiều nên chắc cũng chỉ được chừng 60% thôi!
2. I wish I didn’t work so hard: Câu này gắn với câu trên, nếu mình làm việc theo ý mình thì sẽ không bao giờ thấy là “so hard”! Khổ chủ tự nhận thấy mình làm việc nhiều nhưng cũng chỉ làm việc mình thích nên k có gì hối hận. Thời buổi này, gia đình không phải bao giờ cũng là chỗ dựa an toàn, nếu không có niềm vui trong công việc thì mình đã k đứng vững được. Nhưng chắc bây giờ khi làm việc sẽ phải lượng sức mình hơn! Kết quả: 80%.
3. I wish I’d had the courage to express my feelings: Món này là sở trường của mình, câu thơ ưa thích của mình là “Yêu ai cứ bảo là yêu/Ghét ai cứ bảo là ghét/Dù ai ngon ngọt nuông chiều/Cũng không nói yêu thành ghét/Dù ai cầm dao dọa giết/Cũng không nói ghét thành yêụ!” (Phùng Quán). Nhưng ở đời không phải khi nào cũng nói thật được, ít ra khi ấy mình sẽ im lặng chứ k nói dối, dù có phải chịu thiệt thòi. Kết quả: 80%.
4. I wish I had stayed in touch with my friends: Vụ này thì khó thật vì bận bịu quá mà mất nhiều cơ hội gặp gỡ bạn bè. May nhờ Facebook nên keep touch dễ hơn. Mong các bạn thông cảm nếu mình chỉ like chứ k message hoặc comment được. Nhưng tấm lòng mình luôn ở bên các bạn, trong và ngoài FB. Kết quả: 50%.
5. I wish that I had let myself be happier: vụ này mình thấy bản thân khá OK. Trong phạm vi có thể của một người phụ nữ có gia đình, 2 con đang tuổi lớn, 1 công việc đòi hỏi cao và bản thân lại là “Hòa thượng Thích Đủ Thứ”, mình đã cố gắng enjoy từng giây phút sống. Câu châm ngôn sống mình thích từ khi còn trẻ là “Hãy sống như ngày mai ta phải chết”, mình luôn cố sống và cảm nhận hết mức. Nhưng chính vì thế mà đời sống vất vả quá, vì bận cả công việc và ăn chơi, hihi. Kết quả: 90%.
Các bạn có đồng ý với bản “Tự kiểm điểm” của “Khổ chủ” không? Hihi!
Leave a Reply