Du học trong mắt tôi (phần 2)

0 Permalink

Du học trước 1991 – mặt trái và những hệ lụy

(Bận quá nên delay post bài. Tính mình nói thẳng, đây chỉ là cảm nhận cá nhân, mong mọi người tiếp nhận như thông tin để cân nhắc, xin đừng tự ái vì tác giả tuyệt đối không chỉ trích cá nhân ai cả)

 

Cho đến năm 1982 cuộc sống của lưu học sinh ở Tiệp khá dễ chịu vì cả nước lúc ấy chỉ có chừng 500 -600 người Việt, hầu hết là lưu học sinh và nghiên cứu sinh, tuy sống khép kín và lạc lõng với xung quanh nhưng chăm chỉ, ngoan ngoãn nên được người dân yêu quý. Nhưng từ 1982 trở đi, Việt Nam ồ ạt xuất khẩu lao động sang Nga và Đông Âu. Những thanh niên mới tốt nghiệp phổ thông, hầu hết học hành không đi đến đâu, không có kỹ năng sống, sống ở một nơi bị tách rời khỏi toàn bộ thế giới, nay bị ném sang một nước hoàn toàn xa lạ, không được trang bị chút hiểu biết nào với nhiệm vụ làm giàu càng nhanh càng tốt cho gia đình và bản thân nên đã làm loạn cả Đông Âu. Những thất vọng thời hậu chiến đã làm dân chúng Việt đổ xô vào tìm kiếm các giá trị vật chất, bố mẹ cho con đi nước ngoài không căn dặn con học nghề, giữ uy tín cho đất nước… mà chỉ dặn con kiếm tiền mang về nuôi gia đình. Báo chí Tiệp liên tục đưa tin lao động Việt nam ăn cắp, đánh nhau, giết người… làm dân địa phương từ chỗ rất yêu quý người Việt chuyển sang khinh ghét, kỳ thị. Từ chỗ đi đâu cũng được chào đón tử tế, chúng tôi phải đối mặt với những vẻ mặt lạnh lùng, khinh bỉ, thậm chí những câu xúc phạm. Sự khinh ghét ấy kéo dài đến tận bây giờ, làm đời sống của người Việt ở Czech gặp rất nhiều khó khăn so với Ba Lan hay Đức. Chúng tôi vẫn bảo uy tín nửa thế kỷ chống ngoại xâm của người Việt đã bị đám lao động vô tổ chức ấy xóa tan trong một năm!

 

Lối sống thực dụng cho lao động XK đưa sang làm ảnh hưởng nhiều đến du học sinh. Nhiều sinh viên không còn chú trọng học hành mà chuyển sang buôn bán, chạy mánh… Các gia đình nghe đồn con người này người kia gửi đươc nhiều hàng về nước nên cũng gây sức ép cho con mình. Việc học ở một nước tiên tiến bằng ngoại ngữ vất vả hơn nhiều so với học trong nước, học bổng lại rất thấp, việc làm thêm không nhiều nên muốn kiếm tiền phải đi buôn, mánh mung. Số tiền kiếm được khá dễ dàng đã làm nhiều bạn học hành sa sút dẫn đến bị đuổi về nước. Nghiên cứu sinh vốn chất lượng kém hơn lưu học sinh vì kém ngôn ngữ và sức ép nuôi gia đình cũng lớn hơn, nay càng đi xuống. Hiện tượng thuê người viết luận án, bỏ học trốn ra ngoài ở để đi buôn cũng xảy ra ngày càng nhiều, nhất là sau năm 1991. Hậu quả là không chỉ người lao động mà cả giới NCS, lưu học sinh Việt Nam cũng mất uy tín trong mắt nhà trường.

 

Nhìn lại lịch sử lưu học sinh thời trước 1991, có thể thấy việc du học là một cơ hội rất tốt cho cá nhân người học. Với hầu hết lưu học sinh, đó là cơ hội mở mang tầm mắt, thay đổi tư duy, học hỏi kỹ năng sống… , còn quan trọng hơn cả những kiến thức được học và làm thay đổi hẳn cuộc đời của chúng tôi. Với một số người là cơ hội cải thiện đời sống cho gia đình và là bước đệm để họ chuyển hẳn sang kinh doanh. Thậm chí một số bạn còn tìm cơ hội ở lại định cư tại nước ngoài, đưa cuộc đời mình rẽ sang hẳn một con đường khác. Điều bất ngờ là mục đích chính của du học là những kiến thức học hỏi được lại không giúp gì du học sinh và cho đất nước. Môi trường Việt Nam thời bao cấp không cởi mở với kiến thức mới, người đi nước ngoài về thường bị nghi ngờ, ghen tị, không được trọng dụng nên không phát huy đươc. Bản thân tôi dù là người duy nhất học ở nước ngoài về với điểm số khá tốt trong số 6 người được tuyển vào trường lúc ấy nhưng ngay từ đầu đã bị nhắc nhở là tôi không am hiểu tình hình Việt Nam, không bằng những bạn kia nên phải cố gắng. Môi trường Đại học còn vậy thì môi trường các cơ quan khác cũng tương tự thôi. Nói cách khác, muốn sống yên lành ở cơ quan, chúng tôi phải quên hết những gì đã bị “tiêm nhiễm” ở nước ngoài để sống như một người chưa từng bước qua lũy tre làng.

 

Những tưởng những gì chúng tôi học được ở nước ngoài sẽ bị quên đi vĩnh viễn để có thể câm lặng duy trì sự tồn tại bé nhỏ của mình, như Lưu Quang Vũ nói:

Điều anh tin không có thật trên đời

Điều anh biết không cần cho ai hết

nhưng thời Mở cửa đã thay đổi tất cả. Mất đi sự trợ giúp về kinh tế và sự ủng hộ về chinh trị của phe XHCN, lần đầu tiên kể từ năm 1945, Việt Nam phải học tự đứng trên đôi chân mình. Và lúc ấy kiến thức, tư duy học hỏi từ nước ngoài mới có dịp phát huy trong nghiên cứu, giáo dục và cả trong kinh doanh. Những thế hệ đầu tiên làm việc với doanh nghiệp hay cơ quan nước ngoài, hợp tác nghiên cứu, giành học bổng đi học Master hay TS hầu hết là du học sinh từ Nga và Đông Âu. Thời mở cửa cũng giúp du học sinh định cư ở nước ngoài có cơ hội quay về làm việc với doanh nghiệp Việt, giúp cho ngoại thương phát triển mạnh mẽ hơn và kinh tế Việt Nam khởi sắc.

 

Nhưng nền giáo dục ở từng quốc gia nơi từng du học cũng ảnh hưởng khá lớn đến tư tưởng của lưu học sinh sau này. Sự tan vỡ của hệ thống XHCN là một cú sốc lớn với hầu hết người Việt Nam, vốn được giáo dục để tin cậy tuyệt đối vào Liên Xô, đặc biệt là với cựu du học sinh ở Nga. Du học sinh Đông Âu vốn được thông tin về mặt trái của Liên Xô nên dễ chấp nhận sự thay đổi hơn. Đặc biệt, sự thay đổi địa chính trị thời gian gần đây đã khai sinh ra những xu thế quan hệ quốc tế mới nhưng những người này đã chuyển lòng trung thành của họ từ Liên Xô sang Nga nên rất khó chấp nhận. Một lần tranh luận về tranh chấp Nga – Ucraina, trong khi mọi người phản đối việc Nga xâm phạm chủ quyền của một quốc gia độc lập, một anh bạn học ở Nga về bảo Nga làm thế là đúng vì họ phải bảo vệ quyền lợi nước họ, nước nhỏ phải nghe họ. Khi tôi hỏi lại nếu Nga là Trung Quốc và Ucraine là Việt Nam anh sẽ tính sao thì anh im lặng nhưng vẫn không thay đổi quan điểm. Giáo dục khuôn mẫu của Nga có vẻ đã ảnh hưởng lớn đến tư duy độc lập của người học thời đó. Việc này đã vượt quá tầm của quan điểm cá nhân, đơn cử như hàng năm Bộ KHCN duyệt khá nhiều đề tài cấp Nhà nước và Nghị đinh thư về hợp tác Khoa học Kỹ thuật với Nga và các nước cộng hòa cũ trong khi thứ hạng về nghiên cứu của các nước này quá thấp chỉ vì các nhà nghiên cứu là cựu du học sinh Nga muốn có cơ hội quay về cảnh cũ người xưa. Những khoản tiền ấy nếu được đầu tư vào những nước tiên tiến sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nhiều.

 

Thực tế cho thấy những bài học về trồng người của Minh Trị Thiên Hoàng từ thế kỷ 19 hay của Đặng Tiểu Bình những năm 1970, chọn người thực tài sang những nước có nền khoa học cởi mở tiên tiến mà không e ngại chảy máu chất xám  đã tỏ ra hoàn toàn chính xác. Những người được đi học theo diện chính sách thời tôi khi về chỉ theo con đường công chức, chỉ người học thực là có đóng góp cho xã hội dù bằng kiến thức hay kinh doanh. Hãy mở cửa cho du học đúng nghĩa và ta sẽ thấy, cả đất nước và cá nhân đều có cơ hội cất cánh.

Tác giả và đồng nghiệp trong ngày nhận chứng chỉ ở University of Hawaii at Manoa, một bước chuyển từ Đông du sang Tây du.

Tác giả và đồng nghiệp trong ngày nhận chứng chỉ ở University of Hawaii at Manoa, một bước chuyển từ Đông du sang Tây du.

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *