(Viết nhân đọc một cuốn sách và nhớ lại cuốn Lê Vân – Yêu và Sống)
Đi đâu lúc nào cũng được nghe những lời ca ngợi ơn nghĩa sinh thành của bố mẹ với con cái, nhất là với người châu Á, nhưng càng sống mình càng kinh sợ cách nghĩ khuôn mẫu ấy. Mình từng nói nhiều lần, con trẻ không làm đơn xin bố mẹ cho ra đời mà chúng sinh ra là do ý muốn của bố mẹ, vậy tại sao lại bắt chúng biết ơn? Bố mẹ cũng là người, có sai có đúng, ai cũng thích con mình thông minh nhưng lại muốn chúng về nhà thành câm mù điếc, nhìn bố mẹ như thánh sống, toàn thiện toàn mỹ? Chén bát còn có lúc xô, sao con ở với bố mẹ chỉ có quyền hạnh phúc? Nếu đứa con nào dám nói ra sự buồn tủi của mình, lập tức sẽ trở thành tội đồ để cả xã hội ném đá, bất kể anh/cô ta có tốt đẹp đến đâu cũng không còn đường sống như Lê Vân là một ví dụ điển hình. Sự che dấu, giả dối, mất tự do từ trong gia đình, giữa những người thân với nhau chính là mầm mống cho sự che dấu, giả dối, mất tự do trong xã hội, nguồn gốc của vị thế yếu kém và lạc hậu của Việt Nam trên thế giới.
Trong gia đình, sự đàn áp con cái đã làm chúng không thoải mái khi sống với bố mẹ, do chữ Hiếu ràng buộc chúng phải im lặng nhưng trong lòng tràn đầy bực bội, làm tình cảm bị giảm sút nhiều. Mình cũng là con, mình cũng có nhiều buồn khổ khi sống với bố mẹ và rất khổ sở vì bị giằng xé giữa chữ Hiếu và nhu cầu chính đáng của bản thân. Lớn hơn, mình mới hiểu, không thể có tình yêu thật sự khi không có sự tự do bày tỏ để các bên thấu hiểu nhau. Bố mẹ nào cũng thương con, trong một số gia đình bố mẹ bị ràng buộc bởi nếp nghĩ cũ nên không dễ mở lời trước. Nếu con cái đủ can đảm và lý lẽ để nói lên sự thật về cảm nghĩ của mình với bố mẹ, gia đình mới có thể thật sự hạnh phúc.
Mình cố gắng để các con mình hiểu là, chúng cần tôn trọng bố mẹ không phải vì bố mẹ là người hoàn hảo mà vì bố mẹ là người đi trước, có hiểu biết hơn; Là thành viên trong gia đình, chúng có nghĩa vụ yêu thương và chămsóc bố mẹ như bố mẹ đã yêu thương và chăm sóc chúng. Bố mẹ và con cái đều có nghĩa vụ và quyền lợi với nhau, không ai có quyền chỉ nhận mà không cho hay chỉ cho mà không nhận. Và khi có sự không hài lòng, mọi người cần bày tỏ với nhau, không nên giữ trong lòng để lúc mâu thuẫn quá lớn mới bùng phát thì hòa khí sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tình yêu, công đức sinh thành của bố mẹ với con cái chỉ cao đẹp khi không đòi hỏi sự đền đáp. Còn nếu bố mẹ luôn luôn đem chúng ra để mặc cả với con cái, bắt con cái sống theo ý mình thì khác gì biến mình thành chủ nợ của con? Và như vậy, tình mẫu tử/phụ tử làm gì còn có ý nghĩa cao đẹp nữa? Ta muốn con sống không ích kỷ với ta, quan tâm đến ý muốn, quyền lợi của bố mẹ thì bản thân ta phải làm gương, phải quan tâm đến ý muốn và quyền lợi chính đáng của con trước.
Thế kỷ 21 rồi, hãy để con cái được tự do lên tiếng trong gia đình. Hãy phá bỏ cái luật Omerta kinh sợ Made by Confucianism ấy đi! Đấy chính là “thoát Trung” đấy!
(Bài đã gửi đăng ở báo Nhịp cầu Thế giới http://nhipcauthegioi.hu/
Leave a Reply