Theo mình nghiên cứu, văn hóa châu Á, nhất là những nền VH theo đạo Khổng, rất trọng danh xưng. Thậm chí khi làm việc với người TQ, nếu đối tác chỉ là Phó GĐ, bạn nên gọi anh ta là Giám đốc (tất nhiên là khi không có GĐ đi cùng).. Nhưng về mặt này mình không biết mình có phải người châu Á không vì mình hoàn toàn không quan tâm chuyện ấy, tất nhiên trừ khi tham dự những meeting đông người thì mình cũng đòi hỏi đủ danh xưng như những người khác. Còn nhớ khi tham dự SV 2012, MC hỏi mình chức danh của mình là gì, mình chỉ yêu cầu gọi đúng tên mình và chức danh là Giảng viên ĐHNT nhưng MC không đồng ý, vì như vậy nghe không “oai” bằng các trường khác. Khổ thế đấy.
Nhưng hôm vừa rồi chấm bài, nhờ con gái vào điểm, nó cứ cười bò ra vì không ngờ mẹ lắm tên thế! Tên “cúng cơm” của mình chỉ là Nguyễn Hoàng Ánh (vì sao xin hỏi các cụ thân sinh) nhưng mình được hưởng đủ mọi biến thể: Nguyễn Hoàng Anh, Hoàng Ngọc Ánh, Nguyễn Ngọc Ánh… Còn chức danh cũng rất phong phú, từ GS – TS. PGS.TS, ThS, Giám đốc…, chắc theo kiểu viết nhầm hơn bỏ sót. Con gái thắc mắc vì thấy điểm các sinh viên ấy vẫn khá cao, nhưng biết làm sao được? Quy chế không quy định trừ điểm vì sinh viên không đủ khả năng viết đúng tên giáo viên! Với lại, chấp làm gì?
Tình hình còn tệ hơn khi mình đi giao dịch với các công ty bên ngoài. VD mình đã có sổ khám ở Bệnh viện Việt – Pháp khoảng 7-8 năm nay và khi gọi điện đặt hẹn, bao giờ mình cũng nói tên rõ ràng nhưng vẫn bị gọi lại là Nguyễn Hoàng Anh. Một hôm mình bực quá, bảo lễ tân là nếu em là người Pháp, tôi chấp nhận em không phát âm đúng tên tôi, nhưng em là người Việt cơ mà? Sao các em không hiểu gọi đúng tên khách hàng là một cách thể hiện sự tôn trọng họ và tạo năng lực cạnh tranh cho công ty em? Em ấy xin lỗi nhưng lần sau vẫn thế vì dù tên bệnh nhân trong máy lưu không có dấu và các em không có thói quen nhìn hồ sơ gốc. Là người Việt sống trên nước mình còn bị thế thì không biết những bệnh nhân nước ngoài khác còn tệ đến đâu? Lý thuyết customer service có dạy điều này không nhỉ?
Hôm nay đọc bài này thấy thú vị phết
http://vmcinhanoi.blogspot.com/2012/06/phai-co-danh-gi.html (Chê danh thiếp thiên hạ dài dòng nhưng bác Thái cũng viết dài quá! Nhưng thôi, tôn trọng nguyên tác)!
Về chức danh, xin nhắc lại câu châm ngôn rất nổi tiếng “nếu ghi chức danh cho Einstein là xúc phạm ông”. Mình vẫn tin, cái gì là của mình thì không ai lấy đi được. Cái gì không phải của mình trước sau cũng không giữ được, lằng nhằng làm gì? Còn theo bạn, phần quan trọng nhất trong danh thiếp của bạn là gì?
Leave a Reply