(Mượn lời bài “Đi đi em” của cố nhà thơ Tố Hữu)
Rứa là hết! Vàng – Đô la phi mã
Còn mong chi ngày trở lại Giá ơi
Quên làm sao Em hỡi lúc chia phôi
Bởi tăng trưởng hai đứa mình nghẹn nói
Xăng dẫn trước, vọt lên cao chới với
Điện rượt theo, thịt cá cũng a dua
Cơm tại gia mà chay tịnh như chùa
Hàng dây tiếng thở dài trên miệng vợ
Biết chăng Em nỗi lòng anh khi đó
Nó tơi bời đau đớn lắm Em ơi
Mà sao Em còn luyến tiếc không rời
Nơi bão giá tràn qua như cơn lốc?
Đêm thao thức nằm mơ mình có lộc
Cho quên đi bao nỗi nhọc ban ngày
Cho quên đi lương tháng nhẹ như bay
Quên toan tính, ngược xuôi, tất tả
Em ngoái cổ nhin anh ta chỉ trả
Thầm cho nhau, đôi mắt ướt ly sầu
Biết làm sao em hỡi nói cũng nhau
Lạm phát vẫn tăng hoài như ngựa vía
Thì em hỡi, tăng lên, đừng tiếc nữa
Ngại ngần chi nấn ná chỉ thêm phiền
Tăng đi em, can đảm giá xăng lên
Ừ, đi bộ phải đâu là tội lỗi!
Anh mới hiểu càng ngậm ngùi khổ tủi
Càng dày thêm khát vọng đổi đời mau
Tăng đi em, mong chóng phất, chóng giàu (?)
Mặc con sãi vẫn vào chùa quét lá!
Để thêm nhớ mai sau ngày Bão Giá
Mà hôm nay ta mới chỉ bắt đầu!
Bài mượn trên blog của bạn Thanh Chung. Bạn này ở NY mà sát tình hình VN phết! Nhưng nếu cụ Tố Hữu – tác giả Chính sách Giá – Lương – Tiền – biết được bài thơ cách mạng từ những năm 40 thế kỷ trước lại đáp ứng đúng tình hình thực tại thế kỷ 21 này, hẳn cũng được ngậm cười nên Chín suối! Chỉ khổ cho con dân nước Việt, khóc hu hu như chị Đẩu trên đỉnh lũ Giá, để một số ít Táo Kinh tế giúp “gia đình có điều kiện”! Hay mình cũng nên kiếm 1 Tiểu Táo nào đó mà dạy “1 thầy/1 trò” cho qua cơn bĩ cực này?
Leave a Reply