Chỉ là tình cờ, tôi rơi vào ngành Giáo dục và trong một thời gian khá dài, tôi vẫn trăn trở, không biết mình có làm nhầm nghề không? Trắc trở đầu tiên của tôi với nghề này là khi phỏng vấn tuyển dụng tôi ngây thơ hỏi Ban Tuyển dụng xem tôi có được đi học một lớp bồi dưỡng về sư phạm không? Vì bố mẹ tôi đều phải học Sư phạm mới được đi dạy Phổ thông, nên tôi quan niệm dạy ĐH phải khó khăn hơn, được học nhiều hơn! Nhưng câu hỏi ấy của tôi làm tôi mang tiếng “đòi hỏi”, “khó tính” vì cả đợt chả ai hỏi thế cả, “learning by doing” ở VN là bình thường! Đến khi đã quen với nghề, tôi vẫn không sửa được tính cứ ước vọng viển vông. Thực ra những chuyện mình ước cũng chỉ là chuyện bình thưởng ở hầu hết các nơi trên thế giới nhưng không hiểu sao, ở VN lại trở thành quá xa vời. Tôi ước sao lớp học ĐH được chia thành 2 loại: lớp lý thuyết với các giảng viên thường là ThS, TS trở lên, quy mô có thể 150 -200 sinh viên nhưng sau đó có các lớp bài tập với các trợ giảng, quy mô chỉ 20-30 sinh viên để có dịp thực hành và giảng viên mới có cơ hội học hỏi! Tôi ước sao sinh viên có quyền lựa chọn giáo viên giảng dạy mình và giáo viên có quyền lựa chọn lớp mình muốn giảng! (Ở nước ngoài, các giảng viên chỉ bị ràng buộc về số lớp giảng hàng năm, còn được tự do lựa chọn thời gian giảng và loại hình giảng). Tôi ước sao thư viện có các database về các bài báo khoa học trên thế giới để cả giáo viên và học sinh biết thế nào là nghiên cứu khoa học bên ngoài VN. Tôi ước sao các giáo viên và học sinh khi có nhu cầu về cơ sở vật chất để học tập sẽ không phải đi xin các phòng ban trợ giúp mà yên tâm là các phòng ban sẽ phục vụ nếu nhu cầu đó là chính đáng! Tôi ước sao mọi giảng viên, mọi nhà khoa học sẽ có quyền lên tiếng về sự nghiệp giáo dục của trường, của ngành và tiếng nói ấy sẽ được lắng nghe! Tôi ước sao một ý kiến được đưa ra sẽ được lắng nghe vì nội dung của nó chứ không phải vì chức vụ của người đưa ra nó! Hơn hết, tôi ước sao khi làm đề tài tôi được toàn tâm toàn ý nghiên cứu, được trung thực trong các kết quả của mình chứ không phải vò đầu bứt óc tìm cách nói dối đủ các phòng ban để đòi được 3 đồng tiền còm cõi, quá mệt mỏi vì việc phải ve vuốt những người quản lý để hoàn thành đủ các thủ tục ngớ ngẩn đến mức chả còn đầu óc đâu cho khoa học!
Điều ước của tôi còn nhiều, quá nhiều! Ước cho campus của trường được rộng rãi, đẹp như công viên mà không lo bị TP đuổi đi nơi khác! Ước cho giáo viên được trợ giúp khi đăng ký Hội thảo quốc tế để học hỏi mà viết bài báo cho Tạp chí nước ngoài! Ước cho Tạp chí chuyên ngành của VN có được mã ISI…. Và tất nhiên là ước cho một Đại học nào đó của VN (nếu là FTU càng tốt) được công nhận là Đại học đẳng cấp quốc tế. Nhưng đọc bài này, dù đã được viết cách đây hơn 60 năm thì mới thấy, điều ước của mình chắc còn viển vông lắm!
“Bụt chùa nhà không thiêng
Pierre Darriulat
Cách đây vài ngày khi sắp xếp lại giấy tờ, tài liệu của mình, tình cờ tôi nhìn thấy tập tài liệu có tên “Đại học và Nghiên cứu”, trong đó có nhiều bài báo của những tác giả như Hoàng Tụy với cái nhìn sắc sảo và những nhận xét xác đáng. Tập tài liệu cũng có nhiều báo cáo bao gồm tổng kết năm 1998 về Chính sách Khoa học, Công nghệ và Đổi mới của Việt Nam của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế Canada, do Keith Bezanson điều hành và báo cáo về Giáo dục Đại học Việt Nam của Đại học APEX do Vallelly và Wilkinson thực hiện năm 2008.
Khi xem lướt lại tập tài liệu này, tôi bắt gặp vài dòng chữ viết vội bằng tiếng Pháp mà tôi không nhớ mình đã chép từ đâu. Những dòng chữ đó để lại ấn tượng trong tôi bởi chúng thể hiện rõ ràng và súc tích các nguyên tắc cơ bản để xây dựng Đại học và Nghiên cứu. Ban đầu, tôi nghĩ đã chép những dòng đó từ bài nói chuyện của Feynman cho các tân sinh viên tại Viện Công nghệ Caltech vào năm 1965, nhưng sau khi kiểm tra lại thì không phải vậy.
Những dòng này được viết vào khoảng giữa năm 1947 và 1949 tại Việt Bắc và tác giả là Giáo sư Hồ Đắc Di.
Tôi xin được mạn phép ghi lại những dòng đó dưới đây, và xin lỗi nếu bản ghi chép hoặc bản dịch của mình có vài lỗi nhỏ, nhưng tôi đảm bảo rằng những dòng dưới đây trung thành với nguyên văn của tác giả. Hy vọng tác giả của chúng không phiền lòng.
– Nếu cuộc đời mà từng giây phút trôi qua đều có ý nghĩa thì đó là cuộc đời cống hiến cho tương lai của con em chúng ta.
– Một người thầy càng ngày càng trở nên giỏi hơn nhờ những người học trò của mình thì người thầy đó càng xứng đáng được tôn vinh.
– Giáo dục bậc cao và nghiên cứu như là hai anh em sinh đôi; việc học ở trường chỉ là bước đệm cho công việc nghiên cứu sau này.
– Đại học không chỉ là một tổ hợp gồm nhiều trường, một trung tâm truyền đạt kiến thức và kỹ thuật mà còn là một trung tâm nghiên cứu. Trong khoa học, sự tiến bộ gắn liền với sự kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu và giảng dạy, mà nếu không có điều đó thì chẳng khác gì xây nhà trên cát.
– Trường đại học không chỉ là nơi giảng dạy kiến thức khoa học mà còn là nơi khoa học tồn tại và phát triển.
– Nghiên cứu là làm việc theo nhóm. Nó đòi hỏi sự chăm chỉ và nhẫn nại. Nó bao gồm những kỹ năng, đặc biệt đối với những người trẻ tuổi, luôn không ngừng tìm kiếm phát minh để có thể nắm bắt cơ hội. Cùng với công việc, trí tưởng tượng và phương pháp, cơ hội và sự quan tâm sẽ đến trong tầm tay.
– Nghiên cứu khoa học tạo nên sự nhiệt tình cho những người trẻ tuổi. Và thực sự chúng ta mang ơn họ vì rất nhiều phát minh quan trọng.
– Giảng viên có nhiệm vụ phát hiện ra những sinh viên yêu thích công việc nghiên cứu và giúp đỡ họ phát triển kỹ năng quan sát, khả năng phán xét, trí tò mò, đam mê tri thức, trực giác và trí tưởng tượng.
– Nhà khoa học phải có một phông văn hoá rộng để không chỉ như những người thợ thủ công lành nghề được đào tạo ở các trường trung học chuyên nghiệp. Đào tạo các nhà khoa học phải chú trọng phát triển cả về trí tuệ và đạo đức, bao gồm cả khoa học và nghệ thuật.
– Tinh thần học thuật là một đặc trưng của đào tạo giáo dục bậc cao so với bậc trung học và trung học chuyên nghiệp; đó là sự thỏa hiệp giữa sinh viên và giảng viên mà không có chỗ cho việc lạm dụng quyền hạn. Chỉ khi đó, thông qua mối quan hệ không áp đặt, năng lực phán xét mới có thể nở rộ hoàn toàn tự do–đó là bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa trí tuệ nhân loại, một yếu tố vô cùng quan trọng đối với khoa học.
– Học để biết Chân lý và quý trọng Cái đẹp, để từ đó giúp ta làm điều tốt.
– Học để biết Chân lý hàm ý việc vượt lên trên những đặc điểm cụ thể để tìm ra quy luật chung, điều đó đòi hỏi sự phân tích lô-gíc, chính xác, vô tư và trung thực trước sự thật.
– Chỉ sau khi học hỏi từ những nhà khoa học tiền bối chúng ta mới có thể đứng trên vai họ để nhìn qua bên kia bức tường, nơi cất giấu những điều chưa biết.
– Hãy thành thật với quá khứ như dòng sông chảy ra đại dương luôn thủy chung với nguồn cội. Bằng cách thừa hưởng truyền thống tốt đẹp, Đại học sẽ có thể tạo nên sức mạnh để đối mặt với những khó khăn hiện tại và tìm thấy niềm tin ở tương lai.
– Cái làm nên sự khác biệt giữa hai thứ, Phát minh và quá trình làm việc để đạt được nó, là chúng ta luôn bị ấn tượng bởi điều thứ nhất trong khi ngay lập tức quên điều thứ hai. Suy nghĩ theo lối mòn thì bị động còn sự sáng tạo đòi hỏi con người phải tự quyết.
– Khi học thì phải nghi ngờ và khi làm thì phải có niềm tin.
– Phải hành động có suy nghĩ và suy nghĩ tích cực.
– Hãy hình dung một nhà khoa học trở thành một nhân viên kế toán chịu nhiều áp lực từ các thủ tục hành chính, phải có mặt tại cơ quan vào những giờ cố định. Nếu anh ta không phản ứng lại điều đó thì anh ta sẽ quên hết những điều đã học khi còn là sinh viên. Người ta có thể hành chính hóa một nhà khoa học… chứ không thể hành chính hóa Khoa học. Hãy nhìn lại bản chất của Tự nhiên; có khi nào nó hành xử đúng thời gian và theo quy luật không?
– Thật quý giá cho nhà khoa học nào có một công việc kết hợp được cả Khoa học và Lương tâm. Có tài là chưa đủ; mà phải có đạo đức trong sáng.
– Trường đại học phải tự hào vì đã quyết tâm gìn giữ di sản trí tuệ của những người đang đấu tranh vì tự do.
Tôi cứ nghĩ trong việc xây dựng được đại học đẳng cấp quốc tế cho Việt Nam chúng ta đâu cần viết và thảo luận nhiều, chỉ cần thực thi những ý kiến trên của GS Hồ Đắc Di.”
(Bài đăng trên báo Tia sáng ngày 08/04/2010)
Leave a Reply