Hãy ước mơ!

0 No tags Permalink

(Gửi tân sinh viên khóa 2014 -2018)

Hàng năm cô vẫn được FTU Forum mời làm diễn giả chương trình chào tân sinh viên. Chủ đề năm nay là Hold on Your dream, một chủ đề rất inspirational! Nhìn những em sinh viên mới vào trường, cô nhớ lại mình mấy chục năm trước, thấy thời gian sao trôi quá nhanh.

Qua giao lưu với MC và các diễn giả khác, cô có mấy ý sau, ghi lại để em nào không dự có thể tham khảo:

1.     Ước mơ là rất cần thiết cho con người nói chung và người trẻ nói riêng. Ai cũng biết người là một động vật thoát thân từ khỉ nhưng người khác các động vật khác ở chỗ biết mơ ước. Chưa ai từng thấy một con chó hay một con khỉ dù thông minh đến đâu biết mơ ước sau này nó sẽ như thế nào, chỉ có con người làm được điều đó. Thời gian phù hợp nhất cho ước mơ chính là khi ta sắp bước vào đời vì khi ấy ta còn tràn trề niềm tin vào tất cả. Và đã mất công ước mơ thì ước hẳn cái gì cho thật to lớn vào, đừng để “Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”. Cô đã chán nghe người trẻ ước kiếm được việc làm ổn định, nhàn hạ, lương cao rồi. Lương thế nào là cao? Và cứ cho là có lương cao rồi sau đó sẽ làm gì? Hay ngồi chờ đến ngày về hưu? Như vậy thì chết năm 25 tuổi hay 75 tuổi có gì khác nhau? Đừng nhầm lẫn giữa need và demand, đã cần thì cần hẳn thật nhiều còn demand thì thực tế sẽ quyết định. Napoleon đã nói: “Binh nhì nào không ước mơ thành Đại tướng sẽ chỉ là một anh lính tồi”, hãy nghĩ xem em thật sự mong muốn gì trong đời vì ước mơ ấy sẽ định hướng cho cuộc đời em sau này. Ngay từ khi mới thành lập FPT, khi bán máy tính đang rất thành công và mọi người đều thỏa mãn, không ai biết phần mềm là gì thì TGĐ Trương Gia Bình đã mơ ước đưa FPT thành công ty kinh doanh phần mềm hàng đầu Đông Nam Á, cạnh tranh với Ấn độ. Nhờ vậy FPT mới lớn mạnh như bây giờ. Trong thế giới tràn đầy cơ hội và thay đổi này, người nghèo không phải là người ít tiền mà là người không có ước mơ. Sau khi rời ghế nhà trường, bạn sẽ có cả đời để sống cho thực tế nhưng chỉ có mấy năm trên giảng đường ĐH để mơ ước. Cô không khuyên ai ước mơ viển vông mà hãy nhớ thực hiện hết những nghĩa vụ với bố mẹ, nhà trường…nhưng sau đó hãy giành thời gian cho ước mơ của mình. Như vậy chúng ta sẽ phải nỗ lực hơn nhiều nhưng nếu chỉ làm hết nghĩa vụ học hành xong rồi để thời gian trôi đi vô bổ thì có khác gì không bao giờ có tuổi 20???

2.     Một số bạn lo lắng là sau khi tốt nghiệp ra trườngliệu có được làm đúng nghề đã học? Nếu phải làm nghề khác thì có phải đã xa rời ước mơ ban đầu của bạn không? Nghĩ như vậy thật thiển cận. Việc hướng nghiệp ở VN làm quá kém nên đến 80- 90% sinh viên thi vào trường theo lời khuyên của bố mẹ, họ hàng, người đi trước hay bạn bè tức là thực hiện ước mơ của người khác, không phải của cô. Kể cả các em tự quyết thì 18 tuổi chưa chắc đã đủ hiểu biết. Vì vậy nếu trong quá trình học tập em có phát hiện ra em thật sự phù hợp với công việc khác hơn thì tại sao lại không cho bản thân một cơ hội? Thực tế đã chứng tỏ rất nhiều người làm trái ngành họ được học mà đã thành công rực rỡ như ông Trần Bình Minh học luyện kim ở Nga về, hiện nay là Tổng Giám  đốc Đài Truyền hình VN, nhà văn Phan Việt hay ca sĩ Đức Tuấn đều là cựu sinh viên FTU ngành Kinh tế Đối ngoại…

Hãy nghĩ thi đỗ vào một trường Đại học chỉ giống như em có được chìa khóa mở cửa vào Tòa lâu đài Trí thức, vốn rất lớn, rất nhiều phòng, mỗiphòng là những lĩnh vực chuyên môn khác nhau và đương nhiên có rất nhiều cửa. Mỗi trường chỉ giống như một cánh cửa vào tòa lâu đài ấy. Một khi đã vào được hãy cố thám hiểm tòa lâu đài ấy càng xa càng tốt và hãy ở lại phòng nào em thấy phù hợp nhất. Đừng tự tước cơ hội của mình bằng cách loanh quanh quanh cửa ra vào.

Hy vọng mấy ý kiến này của cô đã giúp được cho một vài em bớt bỡ ngỡ. Tiếc là khán phòng hơi nhỏ nên chắc chỉ được khoảng hơn 100 sinh viên và chương trình năm nay chắc vì hơi nhiều tiết mục văn nghệ nên bị cắt phần khán giả trực tiếp đặt câu hỏi. Nhưng chúng ta sẽ còn nhiều dịp giao lưu mà!

HOLD ON YOUR DREAM, K53!

Hay uoc mo

Hay uoc mo2

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *