VÌ SAO NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở VIỆT NAM YẾU KÉM???

0 No tags Permalink

Anh Lương Hoài Nam vừa đăng một bài trên VNE, với tiêu đề: Không nghiên cứu làm sao phát triển”. Có bạn cmt là sao người trong ngành không quan tâm mà cứ để người ngoài ngành lo thế? Chúng tôi có quan tâm, rất quan tâm chứ như bài viết này cho biết. Bài đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Phát triển nhưng chắc ít ai để ý đọc nên tôi post lại ở đây để chuẩn bị cho Hội thảo ngày mai. 

 

Đã có rất nhiều lời than phiền về tình trang giáo dục Việt Nam. Bên cạnh những nguyên nhân như cơ sở vật chất yếu kém, phương pháp giảng dạy thiên về lý thuyết, ít thực hành, triết lý giáo dục không phù hợp…một lý do quan trọng là giáo dục Việt Nam khá xa rời thực tiễn. Đã có rất nhiều cố gắng để cải thiện tình trạng này nhưng kết quả chưa rõ ràng. Một trong những lý do để những nỗ lực cải tạo giáo dục chưa thành công như mong muốn là chúng ta chưa làm rõ, thế nào là giáo dục gắn với thực tiễn? Như Bác Hồ đã nói, “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”, nên giáo dục không thể chỉ đáp ứng những nhu cầu thực tiễn hiện tại mà phải hướng tới những nhu cầu trong tương lai. Trong điều kiện Việt Nam đang tích cực tham gia vào tiến trình hội nhập quốc tế, kinh tế Việt Nam hòa vào nền kinh tế toàn cầu, xu thế chung trên thế giới là đánh giá chất lượng giáo dục thông qua chất lượng nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học cũng là công cụ quan trong để định hướng cho công tác giáo dục. Hãy thử nhìn lại thực trạng nghiên cứu khoa học của Việt nam hiện nay.

  1. 1.                  Thực trạng nghiên cứu khoa học ở Việt nam

Những phân tích trong nước và quốc tế cho thấy số lượng ấn phẩm khoa học Việt Nam còn rất khiêm tốn, khiến cho những ai quan tâm đều cảm thấy lo lắng. Thực trạng thấp kém không chỉ so với các nước tiên tiến trên thế giới có nền tảng khoa học phát triển lâu năm mà ngay cả khi so với các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Theo thống kê của Viện thông tin khoa học (ISI), trong 15 năm từ 1996-2011, Việt Nam mới có 13.172 ấn phẩm khoa học công bố trên các tập san quốc tế có bình duyệt, bằng khoảng một phần năm của Thái Lan (69.637), một phần sáu của Malaysia (75.530), và một phần mười của Singapore (126.881). Trong khi đó, dân số Việt Nam gấp 17 lần Singapore, ba lần Malaysia và gần gấp rưỡi Thái lan.

Việt Nam hiện nay có khoảng 9.000 giáo sư và phó giáo sư, 24.000 tiến sĩ và hơn 100.000 thạc sĩ mà số ấn phẩm khoa học của cả nước trong vòng 15 năm qua chưa bằng 1/5 số công bố của trường ĐH Tokyo (69,806 ấn phẩm) và một nửa của trường ĐH quốc gia Singapore (28,070 ấn phẩm)[1].

Đồ thị dưới đây của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales, Australia mô tả số lượng và năng suất công bố khoa học của Việt Nam so với các nước trong vùng cho thấy với tốc độ hiện tại, chúng ta cần đến hơn nửa thế kỷ nữa để đuổi kịp năng suất hiện tại của Thái Lan, Malaysia chứ chưa nói gì đến Singapore hay các nước tiên tiến khác trên thế giới.

Không chỉ khiêm tốn về số lượng, chỉ số ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam cũng thấp nhất so với những nước trong khu vực vừa được đề cập. Thứ hạng khiêm tốn này cũng nhất quán với số bằng sáng chế được đăng ký ở Mỹ và chỉ số sáng tạo do Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO xếp hạng.

Thật ra, nước ta có nhiều công trình nghiên cứu xứng đáng chia sẻ với cộng đồng khoa học thế giới, nhưng rất tiếc, cho đến nay các công trình đó vẫn loanh quanh trong các báo cáo nghiệm thu, đóng gói không chia sẻ, hoặc công bố trên những tạp chí trong nước chưa được quốc tế công nhận và hệ quả là làm thiệt thòi cho khoa học nước nhà.

Nhiều tác giả đã đưa ra một số nguyên nhân để giải thích cho tình trạng trên như: phân phối ngân sách cho nghiên cứu chưa thỏa đáng, rào cản về ngôn ngữ tiếng Anh, nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của công bố quốc tế, thiếu kinh nghiệm và chưa có thói quen (văn hóa) công bố, thiếu chính sách đãi ngộ, khuyến khích nhà khoa học công bố quốc tế, rất ít những tập san khoa học trong nước bằng tiếng Anh, chưa xác lập những chuẩn mực đánh giá hiệu quả khoa học phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế ở đó công bố quốc tế được sử dụng làm thước đo khách quan.

Dựa trên những kinh nghiệm và tìm hiểu của cá nhân, tôi xin mạnh dạn đưa ra một số nguyên nhân sau:

1.1.            Thiếu truyền thống nghiên cứu khoa học

Mặc dù Việt nam có truyền thống hiếu học nhưng hàng ngàn năm nay chúng ta chỉ quen lối học “tầm chương trích cú”, xa rời thực tế chứ thiếu hẳn truyền thống nghiên cứu thực nghiệm. Trong lịch sử Việt Nam, số những người học hành khoa cử có nghiên cứu thực nghiệm quá ít, như Lương Thế Vinh, Lê Quý Đôn,… và phạm vi ảnh hưởng không ra khỏi biên giới Việt Nam. Trong thời gian chiến tranh, Nhà nước đã gửi một số lượng lớn những sinh viên đi đào tạo ở các nước XHCN nhưng những nước này cũng không mạnh về nghiên cứu khoa học thực nghiệm, mà thiên về nghiên cứu cơ bản. Với tư cách sinh viên nước ngoài, rất ít sinh viên Việt Nam được tiếp cận với công việc nghiên cứu của họ, vì vậy kiên thức thu lượm được cũng hạn chế. Chúng ta chỉ bắt đầu quan tâm đến đổi mới giáo dục kể từ khi tiến hành hội nhập. Thời gian còn quá ngắn, nên thay đổi chưa được bao nhiêu.

1.2.Thiếu chương trình đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học một cách bài bản:

Ở các nước trong các chương trình đào tạo bậc Đại học và sau ĐH đều có  những môn học về kỹ năng nghiên cứu khoa học. Ngay ở bậc Đại học, sinh viên đã được yêu cầu làm các bài luận, bài tập đáp ứng những yêu cầu này. Ở Việt Nam tuy trong chương trình của nhiều trường gần đây có bổ sung môn học này ngay từ năm thứ nhất, nhưng do giảng viên không được cập nhật kiến thức nên nội dung rất khô khan, tẻ nhạt và lạc hậu. Nghiên cứu sinh của nhiều trường Việt Nam cũng không biết thế nào là nghiên cứu định lượng và nghiên cứu định tính, là những keiens thức đáng ra phải được học từ bậc Đại học. Một phần rất quan trọng trong một bài nghiên cứu là phần “Phương pháp nghiên cứu”, trong đó phải nêu rõ tên phương pháp, lý do sử dụng phương pháp, cách thực hiện.. có thể dài từ vài trang đến vài chục trang. Trong mọi nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, đâ là phần rất quan trọng, quyết định giá trị của bài nghiên cứu. Nhưng ở Việt Nam không ai để ý cả, ngay cả giáo viên hướng dẫn nhiều người cũng để sinh viên bỏ qua hoặc chỉ coi nó là phần thủ tục, không quan tâm đến nội dung. Thậm chí cho đến nay,  còn rất nhiều công trình của Việt nam đều nói là áp dụng phương pháp duy vật biện chứng của Chủ nghĩa Mác – Lê nin, trong khi thực tế đây chỉ là phương pháp tư duy triết học, không phải là phương pháp nghiên cứu. Nếu dịch ra tiếng Anh, các nhà khoa học nước ngoài sẽ nghĩ gì về nghiên cứu khoa học ở Việt Nam? Hơn nữa, các giáo viên các môn học khác cũng chưa có kiến thức về cách trình bày bài viết khoa học nên không yêu cầu sinh viên ứng dụng những kiến thức này khi làm bài tập. Chính vì vậy, trên thực tế sinh viên cả bậc Đại học và sau Đại học không hề được đào tạo để trở thành nhà nghiên cứu. Ai cũng biết trong học ngôn ngữ, viết là kỹ năng khó nhất, viết bài nghiên cứu còn khó hơn nhiều. Nếu không được đào tạo từ trước, đến khi va chạm với thực tế mới học theo kiểu “vừa học vừa làm” thì kết quả không thể cao. Không có gì là lạ khi hàng năm Nhà nước chi hàng trăm tỷ VND cho nghiên cứu khoa học nhưng số bài có chất lượng rất hiếm.

1.3.            Thiếu tư duy làm khoa học

Như nhiều nhà khoa học đã nhận xét, người Việt Nam chú trọng việc học là để mong làm quan chứ không phải vì đam mê kiến thức. Ngay từ năm 1930, nhà nghiên cứu Đào Duy Anh đã nhận xét: “Về tính chất tinh thần, người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay ít người có trí tuệ lỗi lạc, phi thường. Sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí tuệ hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lý. Phần nhiều người có tính ham học, song thích văn chương phù hoa hơn là thực học, thích …hình thức hơn là hoạt động….. Não sáng tác thì ít, nhưng tài bắt chước, thích ứng và dụng hoá thì rất tài. Người Việt Nam lại rất trọng lễ giáo, song cũng có não tinh vặt, hay bài bác, chế nhạo”[2]. Lịch sử đã chứng minh cho nhận xét này của ông. Dân tộc Việt Nam nhìn chung thông minh nhưng ít người xuất chúng, nhất là trong các lĩnh vực về thực hành như kỹ thuật hay kinh doanh. Chính vì vậy, trong suốt thời kỳ phong kiến, phương thức sản xuất của nước ta không có tiến bộ nào đáng kể. Các danh nhân, trí thức chỉ tập trung vào thi cử để ra làm quan, những tác phẩm để lại chủ yếu là văn chương, thơ phú, ít bàn về các vấn đề khác. Người Việt Nam cần cù, chịu khó, khéo tay, giỏi bắt chước (như việc học lỏm các nghề thủ công từ Trung Quốc), nhưng chỉ dừng ở mức thủ công chứ không phát triển thành công nghệ, vì thế hoạt động sản xuất không phát triển được.  Tính cộng đồng của người Việt lại chỉ phổ biến ở mức gia tộc, nên ngay cả những ngành nghề thủ công phát đạt cũng chỉ dừng ở mức sản xuất nhỏ, không phát triển thành quy mô sản xuất lớn. Hơn nữa, do thiếu những nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa nên những nhà cách tân như Nguyễn Trường Tộ không được ủng hộ.  Vì vậy, không có gì lạ khi các nhà nghiên cứu của Việt Nam đăng ký làm đề tài để có công trình khi làm hồ sơ xét GS, PGS, để được tài trợ, chứ hiếm khi là để giải quyết một vấn đề mình trăn trở hay để cải tiến công việc. Các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ hay cấp Thành phố…lại trở thành vật trang trí cho các báo cáo thành tích thay vì báo cáo là kết quả nghiên cứu đã được công bố ở đâu hay đã ứng dụng giải quyết được vấn đề gì!

1.4.            Thiếu cơ chế định hướng và đánh giá nghiên cứu khoa học chính xác

Do truyền thống “sống lâu lên lão làng” của Việt Nam và sự thiếu hụt trong đào tạo cán bộ nghiên cứu trong một thời gian dài, rất nhiều người có danh vị cao ở các Viện nghiên cứu, trường Đại học…kiến thức đã quá lạc hậu. Hầu hết các công trình nghiên cứu khoa học bây giờ đều được công bố bằng tiếng Anh. Rào cản ngôn ngữ, rào cản trong tư duy đã khiến nhiều người không theo kịp tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Thêm vào đó, do cơ chế tổ chức coi trọng cán bộ quản lý hơn nhà khoa học nên những người có học vị ở Việt Nam đều buộc phải kiếm một chức vụ nào đó. Bận bịu với công việc hành chính, họ cũng khó có điều kiện quan tâm đến nghiên cứu khoa học. Nhưng những người này lại được giao trách nhiệm “cầm cân nảy mực” trong các Hội đồng xét duyệt, Hội đồng bảo vệ đề tài. Nhưng như vậy chưa phải điều tệ nhất. Trên thế giới, các nhà nghiên cứu thường phải làm thuyết minh đề tài để xin tài trợ từ các Quỹ của Nhà nước hoặc tư nhân (Như Quỹ Ford, Toyota hay Samsung…). Những tổ chức này lại mời các nhà khoa học có uy tín đến xét duyệt và tuân theo sự lựa chọn của họ. Còn ở Việt Nam, quyền cấp vốn cho các đề tài thường do các bộ phận hành chính như Phòng/Vụ Nghiên cứu Khoa học của các Sở, Ban, Ngành quyết định. Mặc dù những bộ phận này có mời một số nhà khoa học đến tham dự nhưng ý kiến của bộ phận quản lý mới là quyết định, trong khi họ không có kiến thức gì về chuyên ngành của đề tài. Vì vậy, trên thực tế ý kiến của GS.TS lại không có giá trị bằng ý kiến của cử nhân! Với những Hội đồng kiểu như vậy, không có gì lạ là người nghiên cứu không quan tâm đến tính khoa học, tính mới của đề tài mà chỉ quan tâm làm sao để Hội đồng chấp thuận, vì nếu không sẽ không được giải ngân và lần sau sẽ khó nhận được đề tài mới. Thế nên mới có tình trạng ở nước ngoài chỉ cần đăng ký đề tài, không cần Hội đồng bảo vệ mà công trình vẫn có chất lượng, do người viết phải đảm bảo được đăng Tạp chí chuyên ngành, có hệ số trích dẫn cao để giữ uy tín. Ở Việt Nam vừa đăng ký đề tài, vừa phải bảo vệ mà kết quả nghiên cứu sau khi bảo vệ xong không ai để ý đến nữa!

  1. 2.                  Bài học kinh nghiệm của một số nước Đông Á về phát triển NCKH:

Bản đồ thế giới về ấn phẩm khoa học quốc tế đang thay đổi nhanh chóng trong vài thập kỷ gần đây, với sự hiện diện của các “cường quốc mới” càng ngày càng gia tăng, đặc biệt là các nước và vùng lãnh thổ trong khu vực Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan. Số liệu thống kê mới nhất của SCImago tiến hành xếp hạng cho 147 nước và vùng lãnh thổ có công bố khoa học cho thấy Trung Quốc đã vươn lên hàng thứ hai trên thế giới về số ấn phẩm khoa học trên các tập san quốc tế chỉ sau Mỹ, vượt qua rất nhiều nước có lịch sử khoa học phát triển lâu năm như Đức, Nhật, Anh, Pháp, Canada.

Theo phân tích từ số liệu ISI, trong vòng 15 năm gần đây số lượng ấn phẩm khoa học mà các nhà khoa học Trung Quốc công bố hàng năm tăng gần 14 lần, từ 27.549 (hạng 9/147) năm 1996 đến 373.756 bài (hạng 2/147) năm 2011. Viện Hàn lâm Hoàng gia Anh (Royal Society) dự báo trong vòng hai năm tới số công bố khoa học của Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ.

Các nước và vùng lãnh thổ ở Đông Á khác như Hàn Quốc, Đài Loan cũng có bước tiến rất ấn tượng. Nếu năm 1996 chỉ có Nhật Bản và Trung Quốc lọt vào top 15 của thế giới về số ấn phẩm khoa học thì năm 2011 đã có cả Hàn Quốc và Đài Loan lọt vào danh sách này. Để có được những bước tiến ngoạn mục như vậy, các nước này đã có 1 số giải pháp rất mạnh mẽ như sau:

2.1. Đầu tư thỏa đáng cho NCKH: Các nước và lãnh thổ trên đều coi giáo dục, khoa học công nghệ là bộ phận không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế, hiện đại hóa quốc gia họ. Ví dụ, từ những năm 90, Trung Quốc đầu tư khoản tiền khổng lồ (so với GDP của Trung Quốc vào thời điểm đó) hàng chục tỷ USD cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, và nghiên cứu khoa học với các chương trình trọng điểm quốc gia như dự án 211 (1995), dự án 985 (1998), dự án 111 (2005).

Ngoài Trung Quốc, các quốc gia khác cũng nỗ lực đầu tư khoản khổng lồ không kém nhằm cải thiện số lượng và chất lượng công bố khoa học quốc tế mà điển hình là chương trình trọng điểm quốc gia “Brain Korea 21 (BK21)”, Hàn Quốc hay chương trình “Xây dựng trường đại học và trung tâm nghiên cứu đẳng cấp quốc tế” của Đài Loan[3].

2.2. Quốc tế hóa nhân sự khoa học:

Các nước này đều hiểu rõ con người là nhân tố quyết định cho thành công. Một mặt họ đầu tư tài chính để lôi cuốn được những giáo sư quốc tế đến công tác hoặc hợp tác với khoa học trong nước, một mặt họ có chủ trương thu hút những trí thức trong nước đã được đào tạo từ các nước phương Tây về nước nghiên cứu và giảng dạy.

Hàn Quốc xây dựng các cơ sở hợp tác chiến lược với các đại học nước ngoài (đặc biệt là Mỹ) và thuê các nhà khoa học, quản lý hàng đầu thế giới đến làm việc. Năm 2008, Hàn Quốc đưa ra “chương trình các đại học đẳng cấp thế giới” nhằm “nhập khẩu” các giáo sư nước ngoài đến giảng dạy và nghiên cứu, giúp sức “để chuyển đổi các trường đại học Hàn Quốc thành những viện nghiên cứu đẳng cấp thế giới”. Tính đến năm 2009, Hàn Quốc đã thu hút được hàng trăm Giáo sư nước ngoài hàng đầu đến làm việc ở Hàn Quốc trong đó có 9 nhà khoa học đã từng đạt giải Nobel. Đồng thời, Hàn Quốc khuyến khích gửi các nhà khoa học và sinh viên trong nước sang học tập ở nước phương Tây. Theo báo cáo năm 2008 của Viện giáo dục Fulbright (Hoa kỳ), trung bình cứ 7 sinh viên quốc tế ở Mỹ thì lại có 1 sinh viên Hàn Quốc[4].

Không chỉ đầu tư thu hút giảng viên và nhà nghiên cứu, các nước cũng nỗ lực thu hút sinh viên nước ngoài, đặc biệt là sinh viên sau đại học thông qua nhiều chương trình trao đổi sinh viên, liên kết đào tạo, chương trình hợp tác nghiên cứu, cung cấp học bổng.

2.3.            Quốc tế hóa tiêu chuẩn đánh giá khoa học: Ở các nước Đông Á, chức danh khoa bảng như giáo sư, phó giáo sư, giảng viên đều được đề bạt và đánh giá dựa vào số lượng công trình khoa học quốc tế công nhận thay vì các tiêu chí khác như thâm niên công tác, nền tảng gia đình hay mối quan hệ cá nhân. Hơn nữa, các cơ quan quản lý và nhà tài trợ đều hướng đến việc sử dụng công bố khoa học quốc tế là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá xem xét việc cấp tài trợ hay nghiệm thu các đề tài nghiên cứu.

Các nước chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, đặc biệt là năng lực sáng tạo và đổi mới của nghiên cứu sinh tiến sĩ. Nghiên cứu sinh tiến sĩ thường được yêu cầu có bài đăng trên tạp chí quốc tế trước khi có thể bảo vệ luận án. Các học viên cao học cũng khuyến khích công bố trên các tạp chí và các hội nghị khoa học quốc tế trước khi bảo vệ luận văn.

Hàng năm, các nước tiến hành tiến hành xếp hạng các trường ĐH theo tiêu chuẩn quốc tế như THE, ARWU ở đó số lượng công bố khoa học quốc tế là một trong những tiêu chí quan trọng của bảng xếp hạng.

2.4.            Quốc tế hoá tập san khoa học: Các nước này chú trọng xây dựng ngày càng nhiều các tập san khoa học trong nước bằng tiếng Anh với hệ thống bình duyệt theo tiêu chuẩn quốc tế mà vào hệ thống ISI công nhận. Các bài báo khi đăng ở các tạp chí được ISI công nhận sẽ được tính trong hệ thống khi xếp hạng quốc tế. Họ có chiến lược từ từ nâng cấp chất lượng thông qua việc thay đổi ngôn ngữ xuất bản và quy trình bình duyệt của các tập san sao cho phù hợp với chuẩn của các tập san quốc tế.

2.5.            Cải thiện cơ cấu tổ chức: Không chỉ đầu tư mạnh về tài chính, với các nước có cơ cấu tổ chức khoa học chưa phù hợp với xu hướng thế giới như Trung Quốc đã tiến hành những cải tổ quan trọng. Họ thực hiện tái cấu trúc các trường đại học, xây dựng trường đại học tổng hợp, thiên hướng nghiên cứu thay vì các mô hình trường đại học chuyên ngành chủ yếu giảng dạy của Xô Viết cũ. Nhà nước Trung ương cũng chủ trương xây dựng các phòng nghiên cứu trọng điểm quốc gia và đặt tại các trường đại học theo mô hình các trường đại học nghiên cứu ở Hoa Kỳ thay vì duy trì các viện nghiên cứu độc lập nằm ngoài trường đại học mà Trung Quốc áp dụng trong những năm 50.

Các nước này đều khuyến khích tăng dần tỷ lệ của học viên sau đại học so với sinh viên đại học ở các cơ sở đào tạo, từ đó cho phép xây dựng những nhóm nghiên cứu chuyên ngành với thành viên đông đảo là các sinh viên thạc sĩ và tiến sĩ làm việc ở các phòng nghiên cứu.

2.6.            Chính sách khen thưởng thỏa đáng: Các nước đều có chính sách đãi ngộ, thưởng cũng như hình thức khuyến khích tài chính cho các nhà khoa học có công trình công bố trên các tập san quốc tế uy tín cao. Ví dụ, các viện nghiên cứu và đại học ở Trung Quốc có chính sách thưởng tiền đáng kể (lên tới 32.000 USD ở Trường Đại học Y Quảng Đông cho công bố đăng trên Nature hay Science) cho các nhà khoa học nếu họ công bố công trình trên các tập san quốc tế uy tín có chỉ số ảnh hưởng cao.

Có chung rào cản về ngôn ngữ tiếng Anh, gần gũi về đặc điểm văn hóa, cũng như sự tương đồng về điều kiện kinh tế, giáo dục lúc xuất phát điểm, các quốc gia Đông Á đã thành công, thì không có lý do gì chúng ta không áp dụng những biện pháp trên để nâng cao sự hiện diện của khoa học Việt Nam trên trường quốc tế.

 

  1. 3.                  Một số giải pháp để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học ở Việt nam

 

3.1  Đưa các môn về kỹ năng nghiên cứu khoa học với nội dung cập nhật vào giảng dạy ở mọi cấp bậc đào tạo ở trường Đại học

Bộ GD-ĐT cần lập ra một dự án để xây dựng chương trình giảng dạy về phương pháp NCKH và giảng dạy ĐH (vì nếu học nghiên cứu xong mà các giáo viên môn khác không yêu cầu sinh viên áp dụng thì cũng vô nghĩa. Cần đổi mới cả phương phap giảng dạy). Cần mời một số chuyên gia nước ngoài về giúp các trường  trong việc cập nhật những kiến thức và cách thức xây dựng các môn học này. Có thể mời các Giáo sư Việt kiều có uy tín như GS Nguyễn Văn Tuấn (ngành Y) hay GS Bùi Tùng (ngành Quản trị) … về cùng thực hiện dự án này. Các trường ĐH sẽ được yêu cầu xây dựng chương trình và quy trình giảng dạy các môn về phương pháp NCKH và giảng dạy ĐH, sau đó trình lên Bộ GD – ĐT để các chuyên gia góp ý. Sau một năm đưa vào gỉảng day, dự án sẽ đi khảo sát tình hình thực hiện, lấy ý kiến của gỉảng viên và sinh viên để hoàn thiện chương trình. Thời gian qua, một số trường như Đại học Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân đã có nhiều đổi mới trong việc đưa môn học này vào chương trình chính thức của nhà trường nhưng việc phối hợp với các môn học khác vẫn còn chưa đồng bộ.

3.2.Đào tạo lại về phương pháp nghiên cúa khoa học cho mọi giảng viên của Nhà trường.

Từng bước đào tạo lại về phương pháp nghiên cứu khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế cho giáo viên. Thời gian qua, các dự án như MUNTRAP, FTU TRIP… đã có chú trọng đến vấn đề này nhưng chương tình giảng dạy mới chỉ gói gọn trong vài ba buổi, chưa đủ để trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho giảng viên. (VD: theo chương trình chuẩn của trường HEC, Canada, mỗi môn Phương pháp nghiên cứu định tính/định tính/viết case study cho chương trình Thạc sĩ là 30h, tương đương với 40h giảng của Việt Nam). Có thể yêu cầu .mọi giảng viên phải có chứng chỉ về phương pháp nghiên cứu khoa học đạt chuẩn mới được đứng lớp. Trong chương trình dạy, giảng viên cần tăng cường yêu cầu sinh viên viết tiểu luận theo đúng cách viết bài nghiên cứu. Như vậy cả giáo viên và sinh viên sẽ có điều kiện thực tập viết bài, chuẩn bị cho nghiên cứu khoa học sau này.

3.3.Yêu cầu các tạp chí chuyên ngành của Việt Nam dịch và đăng đều đặn các bài báo khoa học mới, có chất lượng cao, được dịch từ các tạp chí có uy tín.

Tình trạng hiện nay là các tạp chí chuyên ngành của Việt Nam đều chỉ đăng các bài báo nội địa, hầu hết đều viết theo cách truyền thống, chât lượng không cao. Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu, các giảng viên và sinh viên Việt Nam không có điều kiện tiếp cận với nghiên cứu khoa học ở nước ngoài, không học hỏi được. Vì vậy, nhu cầu cấp thiết là các tạp chí chuyên ngành của Việt Nam dịch và đăng đều đặn các bài báo khoa học mới, có chất lượng cao, được dịch từ các tạp chí có uy tín. Chúng ta có thể tận dụng các giảng viên nước ngoài , nhất là của các giảng viên Việt Kiều có uy tín đang làm việc ở Việt Nam để xin tư vấn khi lựa chọn bài. Đây là cách rẻ tiền và hiệu quả nhất để cập nhật kiến thức cho giới khoa học Việt Nam vì không phải ai cũng có điều kiện tham dự các Hội thảo ở nước ngoài hoặc đọc bài báo bằng tiếng Anh.

3.4.Thay đổi cơ chế tuyển chọn và bảo vệ đề tài nghiên cứu:

Đây là vấn đề then chốt trong việc khuyến khích giảng viên, các nhà nghiên cứu đầu tư cho NCKH. Hiện nay, ở Việt Nam ngày càng có nhiều cán bộ nghiên cứu có khả năng và được đào tạo từ những trường có uy tín ở nước ngoài. Nhưng vấn đề đáng lo ngại là các cán bộ giảng dạy chưa mặn mà với hoạt động NCKH.

Tiến sĩ Vũ Đình Thành – Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa TP.HCM – cho biết: “Không phải giảng viên không mặn mà với nghiên cứu nhưng những cái khó về mặt cơ chế quản lý như việc xét duyệt đề tài, phân bổ ngân sách, thanh toán tài chính… khiến họ bị nản. Thêm vào đó, sự thiếu thốn về trang thiết bị, phòng thí nghiệm, hóa chất cũng hạn chế việc nghiên cứu”.

Trong khi lý do các Trường, Viện đưa ra là thiếu kinh phí cho NCKH, ngược lại, phía cơ quan quản lý lại cho biết trên thực tế tiền dành cho NCKH phải hoàn trả lại Nhà nước vì không phân phối hết cho các đề án nghiên cứu. Bằng chứng là tại hội thảo “Giải pháp tạo động lực cho giảng viên ĐH tham gia NCKH và chuyển giao công nghệ” do Bộ GD-ĐT tổ chức vào tháng 12.2010, đã thống kê rõ: Năm 2007, Bộ Khoa học – Công nghệ trả lại cho ngân sách nhà nước 125 tỉ đồng vì không giải ngân hết cho các đề án nghiên cứu. Trước đó, năm 2006, Bộ Khoa học – Công nghệ  cũng hoàn trả số tiền lên đến 321 tỉ đồng![5]

Tiến sĩ Phạm Bích San, Phó tổng thư ký Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho biết: “Tôi nghĩ môi trường làm việc là một vấn đề, một rào cản cho khoa học ở nước ta. Môi trường “hành là chính” làm nhụt ý chí của biết bao nhà nghiên cứu trẻ. Chẳng những thế, ngay cả cách thức chọn đề tài nghiên cứu, cách duyệt đề tài, cách nghiệm thu, tiêu cực trong xét duyệt đề tài, v.v. cũng làm cho nhà khoa học trẻ có tự trọng không dám dấn thân vào khoa học. Nhiều người trong thành viên trong các hội đồng “ngồi nhầm chỗ”, nhưng lại có tiếng nói quan trọng mang tính quyết định sự thành bại của một đề tài. Có nhiều đề tài nghiên cứu đáng được tài trợ nhưng không được tài trợ; ngược lại, có những đề tài được tài trợ một số tiền rất lớn nhưng tính khả thi thì rất thấp. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học của Việt Nam tuy không cao, nhưng không phải là chưa đầy đủ; vấn đề là cách phân phối tài trợ sao cho công minh và đúng chuẩn mực khoa học.

Ông Nguyễn Bích San còn nói: “Tôi còn thấy tồn tại một sự kỳ thị trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Rất nhiều thầy cô rất bảo thủ, không chịu học hỏi cái mới, nên lạc hậu. Nhưng khi nghiên cứu sinh học cái mới thì các thầy cô không chấp nhận, thậm chí còn làm khó một cách rất thấp những nghiên cứu sinh nào dám phản biện ý kiến lạc hậu của họ. Ngoài ra, có quĩ nghiên cứu có qui định chỉ tài trợ cho những người có bằng tiến sĩ, mà không quan tâm nâng đỡ những người có bằng cấp thấp hơn. Tôi xem đó là hình thức kì thị khó hiểu nhất và vô lý nhất. Tôi có những người thầy là bác sĩ (chứ chưa bao giờ có bằng tiến sĩ) nhưng tôi xem họ là bậc thầy của bậc thầy. Kỳ thị trong khoa học là điều không thể chấp nhận được”[6]. Một người có đầy đủ vị thế và kinh nghiệm trong ngành còn phải phát biểu như vậy, với những người khác còn vất vả đến đâu!

Muốn giải quyết được tình trạng này, thiết nghĩ cần học tập mô hình tuyển chọn của các tổ chức quốc tế. Trong Hội đồng xét duyệt đề tài nên mời các nhà khoa học nước ngoài làm cố vấn hay thành viên trực tiếp của Hội đồng. Các thành viên Hội đồng cần được tham khảo danh mục những hướng nghiên cứu đang phổ biến trên thế giới, tránh tình trạng cấp vốn nghiên cứu cho những đề tài quá cũ, “không giống ai” như hiện nay. Cách thức bảo vệ đề tài cũng cần xem xét lại. Không nên căn cứ vào kết quả bảo vệ trong Hội đồng làm tiêu chí đánh giá đề tài mà nên căn cứ vào kết quả đăng báo quốc tế, hay ít nhất cũng là bài trình bày trong nwhnxg Hội thảo QT có uy tín (có thể dễ dàng lập dnah mục này). Nên có chế độ thưởng cho những bài có đăng được ở những tạp chí loại A, A+ ở nước ngoài.

Việt Nam là một nước nổi tiếng về truyền thống hiếu học nhưng thời gian qua, giáo dục cũng như NCKH ở Việt nam luôn tụt hạng. Theo Báo cáo mới nhât của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Giáo dục Việt Nam đã tụt hạng bậc 23 và đứng thứ 95 trong 144 quốc gia, tức là  còn xếp sau cả Campuchia[7]. Đã đến lúc chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận để quyết tâm đổi mới nhằm cải thiện giáo dục nói chung và NCKH nói riêng nhằm cải thiện vị thế Việt nam trên bản đồ giáo dục thế giới.

Tài liệu tham khảo

 

  1. Đào Duy Anh (1930), Việt nam văn hóa sử cương, Nhà XB Hồng Đức, 2012
  2. Đăng Nguyên – Hà Ánh, Thực trạng lười… nghiên cứu khoa học http://husta.org.vn/Husta.aspx?Module=News&Id=248
  3. Bangkok Post, “Thais fail in WEF education report”, http://bangkokpost.com/breakingnews/367922/thais-fail-in-wef-education-report
  4. Dương Bùi , “Việt Nam tụt hậu 50 năm so với Thái Lan về công bố khoa học, http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/viet-nam-tut-hau-50-nam-so-voi-thai-lan-ve-cong-bo-khoa-hoc-2411502.html
  5. Hương Thu, “Làm khoa học không thể tự biện, tự sướng”, http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/lam-khoa-hoc-khong-the-tu-bien-tu-suong-2429638.html
  6. Nguyễn Văn Tuấn (2010), Đi vào Nghiên cứu khoa học, Nhà XBTH TP.HCM 2011
[1] Nguyễn Văn Tuấn (2010), Đi vào Nghiên cứu khoa học, Nhà XBTH TP.HCM 2011

[2] Đào Duy Anh (1930), Việt nam văn hóa sử cương, Nhà XB Hồng Đức, 2012

[3] Dương Bùi , “Việt Nam tụt hậu 50 năm so với Thái Lan về công bố khoa học, http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/viet-nam-tut-hau-50-nam-so-voi-thai-lan-ve-cong-bo-khoa-hoc-2411502.html

[4] Dương Bùi , “Việt Nam tụt hậu 50 năm so với Thái Lan về công bố khoa học, http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/viet-nam-tut-hau-50-nam-so-voi-thai-lan-ve-cong-bo-khoa-hoc-2411502.html

[5] Đăng Nguyên – Hà Ánh, Thực trạng lười… nghiên cứu khoa học http://husta.org.vn/Husta.aspx?Module=News&Id=248

[6]Hương Thu, “Làm khoa học không thể tự biện, tự sướng”,  http://vnexpress.net/tin-tuc/khoa-hoc/lam-khoa-hoc-khong-the-tu-bien-tu-suong-2429638.html

[7] Bangkok Post, “Thais fail in WEF education report”, http://bangkokpost.com/breakingnews/367922/thais-fail-in-wef-education-report

Vi sao nghien cuu khoa hoc o Viet Nam yeu kem

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *