10 nhầm lẫn khi kết hôn

null

Có lần em Trang Hạ đã khuyên mình nên viết nhiều hơn về trải nghiệm trong hôn nhân/gia đình vì mình đưa ra được những khía cạnh hiếm người nhận ra. Nhưng mình bận quá và viết cũng đau đầu nên mãi đến hôm nay mới chấp bút được. Không viết thì thôi, viết lại rất dài nên chia làm đôi vậy. Mong là sẽ bổ ích cho ai đó.

Ai cũng biết lập gia đình là điều cực kỳ quan trọng trong đời người, ngang với việc chọn nghề nghiệp hoặc còn hơn nữa. Đặc biệt, với phụ nữ lập gia đình còn quan trọng hơn với đàn ông vì dù thời đại có tân tiến hơn nhưng với phụ nữ, gia đình vẫn là sự nghiệp chính. Tuy nhiên, có một điều luôn làm mình ngạc nhiên là chúng ta mất ít nhất 15 năm để học nghề với đủ loại tài liệu chỉ dẫn nhưng với một việc khó khăn hơn nhiều là lập gia đình thì lại chả được học gì cả. Hơn nữa, có thể được đào tạo nghề này rồi lại làm nghề khác nhưng làm vợ/làm chồng thì chả thể thay đổi được. Vì vậy, không lấy gì làm lạ khi tỷ lệ người bất hạnh trong hôn nhân cao như vậy, dẫn đến tỷ lệ ly hôn ngày càng cao. Và có điều lạ là khi kinh tế khá giả hơn, con người hình như lại ly hôn nhiều hơn và bất hạnh hơn? Phải chăng vì chúng ta ít con hơn nên trẻ con quá được chiều chuộng, không biết chăm lo cho người khác, làm hôn nhân càng trở nên mong manh?
Có câu chuyện đùa là “Ai cũng biết ly hôn là bất hạnh lớn nhất của đời người và nguyên nhân sâu xa của ly hôn là kết hôn. Vậy muốn tránh khỏi kết cục bất hạnh ấy chỉ cần đừng kết hôn nữa”. Mình không cực đoan thế, chỉ muốn chỉ ra một số nhầm lẫn phổ biến khi người trẻ mới kết hôn, làm họ dễ thất vọng và cản trở việc có được hạnh phúc.

1. Muốn hạnh phúc, ta phải tìm được đúng 1 nửa của mình: Sai toét! Cái lý thuyết ở đâu đó có 1 người sinh ra để giành cho mình làm người trẻ khi gặp thất vọng trong hôn nhân dễ sinh ra “Đứng núi này trông núi nọ”. Thực tế các cặp vợ chồng hạnh phúc cho thấy, chỉ cần tìm được người khá phù hợp rồi hai người phải điều chỉnh bản thân để có được sự hòa hợp. Kể cả ta có tìm được một người phù hợp với mình trong giai đoạn này thì với mấy chục năm chung sống, ai cũng sẽ thay đổi, bắt buộc các bên phải liên tục sửa đổi để thích ứng với nhau.

2. Nếu tìm đúng người, anh/cô ta sẽ đem lại hạnh phúc cho mình: Đây là câu mình ghét nhất vì nó rất thụ động. Dù lấy ai đi nữa thì hạnh phúc là cảm nhận của từng người, bạn phải tự tìm kiếm cho mình. Bạn thích ăn cơm còn chồng thích ăn phở. Vì yêu bạn, anh ấy mua phở cho bạn ăn nhưng đâu vì thế mà bạn hài lòng? Hạnh phúc cho hôn nhân là sự chia sẻ giữa hai người, cả hai cùng phải tìm cách làm cho mình và người kia cùng hạnh phúc, tức là vừa phải biết chăm sóc mình vừa nghĩ đến người kia. Đừng ngồi yên chờ đợi rồi lại oán hận người kia không làm mình hạnh phúc. Hạnh phúc chỉ đến với người xứng đáng mà thôi!

3.Sau khi kết hôn, bạn phải tuyệt đối thuộc về người bạn đời: Sai vô cùng! Rất nhiều người Việt có tính sở hữu quá cao nên giữ riệt lấy đối tác của mình! Nhưng nhu cầu giao tiếp của con người rất cao, chỉ một người không thể thỏa mãn được. Nếu cả hai chỉ biết cả ngày quấn quít bên nhau, sẽ có lúc thấy chán và ngột ngạt, nhất là người đàn ông. Hơn nữa vợ chồng thế nào cũng có lúc bất đồng, khi ấy những người ngoài cuộc như bạn bè, gia đình sẽ giúp hai bên giảng hòa hiệu quả hơn là cả hai tự giải quyết. Ngoài ra, mỗi người bên cạnh làm vợ/chồng còn có những nghĩa vụ xã hội khác như làm con/anh/chị/thành viên trog công ty…., không vì lập gia đình mà chúng ta hết những nghĩa vụ đó. Làm tốt nghĩa vụ mọi người sẽ khen ngợi bạn và vợ/chồng bạn sẽ càng yêu quý bạn hơn. Vì vậy, hãy quan tâm đến mọi người thì bạn sẽ hạnh phúc hơn.

4. Càng yêu nhau, khi kết hôn bạn càng hạnh phúc: Nhầm to! Ngạn ngữ có câu “Yêu nhau lắm cắn nhau đau”, nghe vô lý nhưng rất logic. Khi quá yêu ai, chúng ta thường kỳ vọng vào họ quá nhiều. Khi còn yêu, thời gian bên nhau không nhiều nên cả hai bên dồn hết tâm sức vào thời gian gặp mặt, khiến chúng ta thấy người đó thật tuyệt vời. Nhưng khi kết hôn, sống bên nhau cả ngày, chúng ta sẽ trở về con người thực của mình. Nếu không có tính thực tế, cả hai dễ bị thất vọng, “Tôi tưởng anh/cô tuyệt vời thế nào chứ cũng chỉ như người khác thế này! Tôi đã nhầm khi lấy anh/cô”, dễ dẫn đến tan vỡ hạnh phúc. Nhưng đến khi gặp người khác cả hai mới nhận ra sự việc không tồi tệ đến vậy, chỉ là mình đã kỳ vọng quá cao vào người kia mà thôi! Chính vì vậy, cuối cùng những người yêu nhau vừa vừa lại dễ ạnh phúc hơn trong hôn nhân.

5. Chỉ cần có tình yêu đủ mạnh, bạn sẽ vượt qua mọi trở ngại để hạnh phúc với nhau và ngược lại: Không đúng! Hôn nhân giống như cái cây mà Tình yêu là hạt giống. Các cụ đã dạy “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, từ hạt giống thành cây còn cần rất nhiều điều kiện, sự chăm sóc và giống là điều ít quan trọng nhất. Bạn có thể có hạt giống tốt nhưng nếu gieo trồng vào nơi đất khô cằn, khí hậu không thích hợp, các bên không chăm sóc thường xuyên thì cái cây đó sẽ còi cọc thậm chí chết rất nhanh. Rất ít người đủ dũng cảm, chịu khó chịu khổ để trồng cây trên sa mạc như người Israen. Ở VN vai trò của gia đình trong hôn nhân của con cái vẫn còn rất lớn. Hai bên cưới nhau mà bố mẹ không ủng hộ thì xác suất hạnh phúc rất thấp vì sự dũng cảm của các bên thường chỉ đủ để cưới nhau, sau đó trong cuộc sống sẽ vẫn nghe lời bố mẹ mình, làm nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí đôi đầu, làm hôn nhân tan vỡ. Đặc biệt người con trai có tâm lý vợ mình phải làm dâu nên bênh mẹ hơn bênh vợ, đẩy người vợ vào cảnh địa ngục trần gian mà không kêu ai được vì đã cãi lời bố mẹ lấy anh ta. Vì vậy, những bạn trẻ yêu nhau mà ngoại cảnh không ủng hộ nên suy nghĩ kỹ xem mình có đủ dũng cảm để đương đầu với những thử thách đó không. Đừng vì một chữ Tình mong manh mà đẩy đời mình vào địa ngục.

(To be continued)

null

alt :

No Comments Yet.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *